Ngành Thuế tìm giải pháp quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Trên cơ sở dữ liệu lớn (BigData), ngành Thuế nỗ lực tìm giải pháp quản lý đầy đủ nguồn thu từ đối tượng kinh doanh này.

Hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế

Cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến cơ quan thuế toàn quốc về công tác quản lý thuế để tìm giải pháp quản lý hiệu quả đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, lĩnh vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể luôn là một cấu phần quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính luôn quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc cần có những giải pháp quản lý minh bạch để thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Thảo

Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Thảo

Đối với ngành Thuế, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý hộ kinh doanh đã đạt được những kết quả khá. Điển hình như số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do ngành Thuế quản lý đã triển khai bao quát hơn, trong đó cơ sở dữ liệu lớn (BigData) đã được chú trọng xây dựng để phục vụ công tác quản lý thuế tốt hơn. Kết quả số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2024 đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Mai Sơn, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, nhất là so với yêu cầu theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cần phải có giải pháp chính sách có tính đột phá phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ nhằm hạn chế tối đa thủ đoạn “lách luật” để trốn thuế, gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đại diện cơ quan thuế các địa phương cho biết, chính sách thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng theo hình thức “thuế khoán” đã đạt được yêu cầu mục đích rất nhân văn của Nhà nước, đó là khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển để làm giàu cho chính mình và hỗ trợ một bộ phận lao động tự do có công ăn việc làm ổn định, hạn chế được vấn nạn thất nghiệp trong một bộ phận người dân.

Theo đó, trong một giai đoạn lịch sử nhất là trong bối cảnh đất nước vừa bước qua các cuộc đấu tranh gian khổ với bao hy sinh, tổn thất để thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc thì việc áp dụng chính sách “thuế khoán” dành cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được áp dụng trong thực tiễn là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhất là hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã và đang có những bước tiến và sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng chứng minh tầm ảnh hưởng, sức mạnh vượt trội hơn so với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống.

Điểm đáng lưu ý, đó là sự phát triển “vũ bão” của các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ và kinh doanh trên nền tảng số lại được thực hiện bởi những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh - những đối tượng mà trước đây được coi là “đối tượng yếu thế” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Điều này đã đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không hề nhỏ bởi sự đa dạng và số đông của đối tượng tham gia.

Tạo môi trường kinh doanh phát triển bình đẳng, minh bạch

Ông Mai Sơn cho rằng, những khó khăn của thực tiễn quản lý nhưng cũng là cơ hội lớn để ngành Thuế tập trung nghiên cứu, đề ra những giải pháp quản lý thuế phù hợp với điều kiện phát triển chung của đất nước, nhất là những chính sách phải tạo ra được cơ chế giám sát và môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế, không để sự chênh lệch về chính sách thuế của một bộ phận người nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh sẽ tạo ra sự không bình đẳng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp.

Công chức thuế sẽ thường xuyên trao đổi với cơ quan cấp phép để đưa vào quản lý thuế kịp thời hộ, cá nhân kinh doanh. Ảnh: TL

Công chức thuế sẽ thường xuyên trao đổi với cơ quan cấp phép để đưa vào quản lý thuế kịp thời hộ, cá nhân kinh doanh. Ảnh: TL

Theo lãnh đạo Cục Thuế cho rằng, việc triển khai quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được làm quyết liệt, đối với ngành Thuế bên cạnh công tác quán triệt chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện với quyết tâm cao thì việc nghiên cứu thực tiễn, sâu sát cơ sở và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để đưa ra những giải pháp quản lý thuế hiệu lực, hiệu quả, từ đó giúp chống thất thu ngân sách nhà nước nhưng cũng phải đảm bảo giúp các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh có được môi trường phát triển bình đẳng, minh bạch.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, lãnh đạo Cục Thuế giao, trong thời gian tới toàn ngành tăng cường triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với quyết tâm cao và cách làm khoa học, bài bản thông qua những nghiên cứu nghiêm túc về thực tiễn quản lý, tận dụng tối đa những tiến bộ của khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) để phát triển các ứng dụng quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng eTaxMobile.

Đồng thời ngành Thuế sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh để xử lý với những trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định. Đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cấp phép kinh doanh, cơ quan thuế sẽ trao đổi thường xuyên với cơ quan cấp phép để đưa vào quản lý thuế kịp thời./.

Lãnh đạo Cục Thuế giao, ngay trong tháng 4/2025, cơ quan thuế các cấp cần hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý, đồng thời phối hợp với các Ban nghiệp vụ của Cục Thuế để làm sạch cơ sở dữ liệu mã số thuế cá nhân và đưa vào sử dụng ngay, đồng thời đề nghị các Chi cục Thuế khu vực báo cáo ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành để Cục Thuế chỉ đạo kịp thời giải pháp tháo gỡ, tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì làm chậm trễ việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-thue-tim-giai-phap-quan-ly-thue-ho-kinh-doanh-ca-nhan-kinh-doanh-173543.html