Ngành Thuế tỉnh: Thu hồi nợ thuế chưa đạt yêu cầu

Năm 2024, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đã chủ động phối hợp đẩy mạnh các biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thuế; nhất là đối với những doanh nghiệp (DN) có số nợ thuế lớn, chây ì... Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn, chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu trên giao.

Ước thu hồi được 4.140 tỷ đồng

Ngay từ đầu năm 2024, Cục Thuế tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và theo dõi sát sao tình hình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tại các đơn vị trong toàn ngành. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh đã kịp thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh, Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; một số UBND cấp huyện đã giao chỉ tiêu thu nợ đến cấp xã… Cục Thuế tỉnh đã lập danh sách, báo cáo kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi đất, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản... đối với các trường hợp người sử dụng đất chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành; các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính theo quy định trong thời hạn 90 ngày (kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo bằng văn bản)...

Một góc huyện Cam Lâm (Ảnh minh họa: T.Thịnh)

Một góc huyện Cam Lâm (Ảnh minh họa: T.Thịnh)

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh và các địa phương, năm 2024, ngành Thuế ước thu hồi được 4.140 tỷ đồng; trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ 4.059 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 81 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết, mặc dù đạt kết quả tích cực song so với chỉ tiêu giao vẫn chưa được như mong muốn. Cụ thể, chỉ tiêu giao, tổng số tiền thuế nợ (không bao gồm nợ đã xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh) không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào ngân sách nhà nước trong năm, nhưng thực hiện đến ngày 31-12, tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu năm 2024 là 10,4%. Theo đó, nợ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh 898 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 49,7% tổng nợ; nợ liên quan về đất 910 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,3% tổng nợ. Số nợ tập trung chính ở khu vực DN ngoài quốc doanh với 1.291 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,6% tổng nợ, chủ yếu là các khoản thuế từ đất.

Nguyên nhân nợ thuế cao do trong quý IV/2024 cơ quan Thuế ban hành thông báo yêu cầu các DN nộp tiền sử dụng đất bổ sung; nhiều công ty có phát sinh khoản nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất do nợ chây ì nhiều năm hoặc đang có vướng mắc đối với tiền thuê đất... Ngoài ra, các khoản tiền thuế được gia hạn theo Nghị định số 64/2024 của Chính phủ đã hết thời gian gia hạn trong tháng 12 (hạn nộp ngày 20-12-2024) nhưng người nộp thuế gặp khó khăn chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước... Tính đến ngày 31-12-2024, tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý ước 1.808 tỷ đồng, tăng 28,4% so với thời điểm ngày 31-12-2023.

Còn nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn

Tại thời điểm cuối tháng 11, trên địa bàn tỉnh có 114 tổ chức, DN và cá nhân có số nợ thuế hơn 1 tỷ đồng với tổng số nợ 1.179 tỷ đồng; trong đó nợ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh 485 tỷ đồng, nợ liên quan đến đất 694 tỷ đồng. Cụ thể như: Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh 218 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa 95 tỷ đồng; Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang 73 tỷ đồng; Công ty TNHH Cat Tiger Khareal 32 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dệt Tân Tiến 21 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Cat Tiger Việt Nam 27 tỷ đồng; Công ty TNHH Granite Vina Nha Trang 17 tỷ đồng…

Theo số liệu phân tích ở trên, các DN nợ thuế lớn tập trung ở lĩnh vực liên quan đến đất do các DN chưa đi vào hoạt động kinh doanh, trong khi số tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh quá lớn nên không có khả năng nộp, mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc, cưỡng chế. Một số DN chưa xác định được chính xác tiền thuê đất phải nộp do các sở, ngành, địa phương chưa cung cấp đầy đủ thông tin để Cục Thuế tỉnh có căn cứ giải quyết; DN đang còn vướng mắc chính sách chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh để có căn cứ giải quyết khoản nợ…

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, nhằm thu hồi hiệu quả nợ thuế tồn đọng, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế và thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với tất cả các DN, kể cả người nợ thuế đang phân loại nợ khó thu; đối với người nợ thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký rà soát thực hiện khoanh nợ đối với trường hợp nợ khó thu đủ điều kiện theo quy định để giảm tỷ lệ nợ đánh giá chỉ tiêu thu nợ; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ cơ quan thuế đã tiếp nhận và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các bộ phận, đơn vị trực thuộc tập trung rà soát số liệu, kịp thời điều chỉnh các khoản nợ đã nộp nhưng chưa vào được bù trừ nợ, nợ sai, nợ ảo (nếu có) trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Đồng thời, thường xuyên báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố xử lý các vướng mắc, đề xuất các biện pháp để chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương thực hiện công tác thu hồi tiền thuế nợ trên địa bàn; tăng cường phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan liên quan tại địa phương trong việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản nợ liên quan đến đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế bảo vệ môi trường... nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao.

C.VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202412/nganh-thue-tinh-thu-hoi-no-thue-chua-dat-yeu-cau-e4049ba/