Ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc bị đảo lộn
Dịch Covid-19 và chính sách phòng dịch khắc nghiệt của chính phủ Trung Quốc đang khiến các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử rơi vào khó khăn.
Theo Wall Street Journal, người tiêu dùng Trung Quốc đang cắt giảm hoạt động mua sắm và trở nên tiết kiệm hơn khi kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Điều này phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của các công ty thương mại điện tử (TMĐT) trong nước.
Quý II, sau khi các đợt phong tỏa và kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng, Alibaba Group Holding lần đầu tiên chứng kiến doanh thu sụt giảm trong khi JD.com ghi nhận mức tăng trưởng chậm chưa từng thấy.
Dù giới lãnh đạo và các nhà phân tích dự đoán tình hình trong quý III sẽ được cải thiện, hoạt động TMĐT vẫn đứng trước nguy cơ bất ổn khi Bắc Kinh giữ nguyên chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt.
Hàng loạt tập đoàn lớn lao đao
Dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy quốc gia này là thị trường TMĐT lớn nhất thế giới với tổng mức tiêu thụ trực tuyến đạt 6.100 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, sự xuất hiện của đại dịch có vai trò thúc đẩy quan trọng lĩnh vực này.
Tuy vậy, động lực đang dần thu hẹp. Công ty nghiên cứu Insider Intelligence dự báo doanh số TMĐT ở Trung Quốc năm nay sẽ tăng 9,1%. Đây là tốc độ thấp nhất kể từ năm 2008 và thậm chí chậm hơn mức tăng trưởng ước tính tại Mỹ, khoảng 9,4%.
Về Alibaba, doanh thu quý II của tập đoàn giảm 0,1%, lần đầu tiên kể từ thời điểm IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào năm 2014. Phần lớn nguyên do xuất phát từ tình trạng doanh thu mảng kinh doanh thương mại ở Trung Quốc giảm 1%.
Trong các cuộc công bố báo cáo tài chính, CEO Daniel Zhang tin rằng các hạn chế của Covid-19 tại Trung Quốc đã tác động đến tổng giá trị bán hàng của những nền tảng TMĐT hàng đầu như Taobao hay Tmall.
“Dù đã có những tín hiệu cho thấy mức tiêu thụ phục hồi ổn định, chúng tôi cho rằng thị trường cần thêm thời gian để niềm tin và tâm lý của người tiêu dùng hồi phục hoàn toàn”, Zhang nhận định.
Tương tự, đối thủ của Alibaba là JD.com cũng ghi nhận mức tăng doanh thu chậm nhất kể từ khi IPO vào năm 2014, khoảng 5,4%.
Trong khi đó, nhờ phát hành nhiều chương trình giảm giá, Pinduoduo trở thành ngoại lệ khi được người tiêu dùng có thu nhập thấp ưa chuộng. Doanh thu công ty tăng 36% do người dùng tích cực tìm kiếm hàng hóa giá tốt trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Dù vậy, doanh thu của Pinduoduo chỉ khoảng 4,7 tỷ USD, bằng 15% doanh thu Alibaba.
Xu hướng chi tiêu thay đổi
Người dân Trung Quốc đang vật lộn vì tốc độ tăng lương chậm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát gia tăng. Sự suy thoái của thị trường bất động sản gần đây cũng khiến niềm tin vào nền kinh tế của người dân giảm sút.
Dẫu doanh số bán lẻ phục hồi, tốc độ tăng trưởng vẫn ở dưới mức trước đại dịch, khoảng 3,1% vào tháng 6 và khoảng 2,7% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong gần hai thập kỷ qua, doanh số bán lẻ trung bình luôn tăng khoảng 12%/tháng.
Một số nhà kinh tế dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục giảm vì chính sách kích thích nền kinh tế của giới chức Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách chống dịch Zero-Covid.
Tuy nhiên, TMĐT vẫn được tổ chức tốt hơn so với kênh bán lẻ truyền thống. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến tăng 11% trong quý II dù giảm nhẹ trong tháng 4.
Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng có xu hướng tích trữ để chuẩn bị cho những đợt phong tỏa trong tương lai, tốc độ tăng trưởng mua thực phẩm và đồ gia dụng trực tuyến liên tục vượt trội so với hàng may mặc. Danh mục tăng trưởng mạnh nhất của JD.com là siêu thị đã phát sinh lượng đặt hàng cao hơn 25% vào quý II so với cùng kỳ năm ngoái.
Để kích cầu, chính quyền Thượng Hải mới đây phát 200 triệu nhân dân tệ, tương đương 29 triệu USD, dưới dạng phiếu giảm giá điện tử.
Ngoài thực phẩm và đồ gia dụng, người dùng Trung Quốc cũng chi tiêu nhiều hơn cho việc chăm sóc bản thân, chăm sóc vật nuôi, các hoạt động ngoài trời và cải thiện nhà cửa.
Trên nền tảng của Alibaba, doanh số các mặt hàng thời trang và phụ kiện liên tục giảm, trong khi nhu cầu về sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc thú cưng, hoạt động ngoài trời tăng cao.
Công ty tư vấn thương hiệu WPIC cho biết trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán đồ cắm trại thông qua livestream trên Tmall đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng diễn ra tương tự trên nền tảng Douyin.
JD.com cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số đối với sản phẩm liên quan đến thể dục và sức khỏe. Tuy nhiên nhu cầu với đồ điện tử (gồm điện thoại di động hay thiết bị gia dụng giá cao) không đổi.
Thậm chí, dữ liệu của chính phủ cho thấy doanh số mặt hàng tủ lạnh, TV, điều hòa không khí đã giảm 11% trong nửa đầu năm.
Fitch Ratings ước tính doanh số bán hàng TMĐT của Trung Quốc sẽ chiếm 29% doanh số bán lẻ của năm 2022, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 15% ở Mỹ.
Bất chấp những bất ổn trước mắt, CEO Xu Lei của JD.com cho biết về lâu dài, thị trường tiêu dùng của Trung Quốc vẫn có thể hồi phục mạnh mẽ sau khi thoát khỏi đại dịch.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-thuong-mai-dien-tu-tai-trung-quoc-bi-dao-lon-post1353224.html