Ngành thủy sản Bình Thuận một năm 'vượt sóng'
Mặc dù Việt Nam chưa gỡ được 'thẻ vàng', nhưng Bình Thuận là 1 trong những tỉnh được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực sau 1 năm triển khai nhiều biện pháp trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bình Thuận xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, mà hơn hết là đang thực hiện quản lý nghề cá theo hướng phát triển và bền vững.
Không chỉ để gỡ “thẻ vàng”
Những ngày cuối năm, cũng là lúc gió bấc thổi, trong tiết trời se lạnh của tháng chạp, nhìn hàng dài những chiếc tàu nằm thẳng tắp dọc sông Cà Ty, báo hiệu thời tiết đang bất lợi, nên nhiều ngư dân ngại ra khơi. Nhưng đâu đó, lác đác vài con tàu đã cập cảng sau hơn nửa tháng lênh đênh trên biển mang theo hàng trăm giỏ cá tươi ngon từ biển khơi trở về. Ngư dân Nguyễn Hữu Thanh (phường Đức Thắng) đang cùng bạn thuyền tất bật khuân từng sọt cá lên bờ. Nghe tôi hỏi thăm, ông vui vẻ cho biết: “Tuy sản lượng đánh bắt không nhiều như mọi năm, nhưng dù sao chuyến biển đợt cuối năm này an toàn, giá hải sản tăng nên bạn thuyền cũng chia được vài triệu đồng, đủ sắm sửa tết cho gia đình”.
Cá về cảng Phan Thiết.
Khi nghe tôi nhắc tình hình biển giã những năm gần đây, ông Thanh trầm ngâm: “Sau khi tham gia nhiều đợt tuyên truyền về IUU, tôi biết mình phải thay đổi. Do đó, tôi là một trong những ngư dân đi đầu thực hiện chủ trương của Nhà nước, từ gắn thiết bị giám sát hành trình cho đến việc thông báo trước 1 giờ khi xuất/nhập cảng, ghi chép nhật ký, ký cam kết với chính quyền không đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài. Sau đó, vận động các ngư dân trong tổ đoàn kết cùng thực hiện. Ban đầu, khi chính quyền siết chặt các biện pháp, nhiều ngư dân khó chịu lắm, nhưng khi hiểu đây là cách để hạn chế tình trạng đánh bắt trái phép, bảo vệ ngư trường, thì tôi và những ngư dân khác rất đồng tình ủng hộ”.
Những ngày gió bấc thổi, nhưng nhiều tàu vẫn vươn khơi đem về những giỏ cá tươi ngon từ đại dương.
Cũng như ông Thanh, những ngư dân khác trong tỉnh cũng có quá trình từ chưa hiểu đến hiểu và hành động như thế. Vì vậy, đến nay trong cộng đồng ngư dân ít nhiều đã hiểu rõ IUU là gì. Hơn thế có người có thể kể vanh vách nhiệm vụ phải làm để chống khai thác IUU, dù 2 năm trước đó họ rất mơ hồ. Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn từ các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh, sự chung tay của chính quyền và ngư dân từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm từ khai thác truyền thống sang khai thác có trách nhiệm hơn.
Xác định chống khai thác IUU không chỉ là góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC.
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Xác định chống khai thác IUU không chỉ là góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, mà quan trọng là xây dựng nghề cá phát triển bền vững. Do đó, trong năm 2023, tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, từng bước khắc phục nhiều tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện. Đã giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, không để tiếp tục xảy ra tàu cá, ngư dân đánh bắt trái phép. Đặc biệt, Bình Thuận là một trong ít tỉnh, thành ven biển đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đối với tàu cá đang hoạt động (1.944 tàu), đồng thời kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ngừng hoạt động chưa lắp đặt VMS…”.
Nhiều ngư dân Hàm Thuận Nam không giấu được niềm vui khi tôm, cá tìm về trú ngụ nhiều đến nỗi ai cũng nghĩ mình “trúng số”.
Tạo “ranh giới” an toàn
Đâu chỉ quyết liệt cấm vượt ranh giới biển Việt Nam, ở tỉnh còn có câu chuyện tạo "ranh giới" biển mang lại hiệu quả cao, cụ thể trong năm 2023 này tại 3 xã ven biển của Hàm Thuận Nam qua mô hình đồng quản lý vùng biển. Vụ cá nam vừa qua, ngư dân ở khắp các làng chài 3 xã Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý không giấu được niềm vui khi tôm, cá tìm về trú ngụ nhiều đến nỗi ai cũng nghĩ mình “trúng số”. Trung bình mỗi thúng kiếm tầm 3 - 5 triệu đồng/ngày, có thúng được 9 - 10 triệu đồng, thu nhập gấp 10 lần so với trước đây. Ngoài mực, cá thông thường, nhiều loài “biệt tăm” gần chục năm nay mới có lại như cá ngân, vẹm, dòm nâu, đặc biệt tôm hùm, tôm bạc có giá trị kinh tế cao đã xuất hiện trở lại… Đây là sự nỗ lực rất lớn của Hội Nghề cá tỉnh khi năm 2015 đã xây dựng “Mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý”. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước, sau đó nhân rộng cho 2 xã ven biển còn lại.
Bình Thuận là một trong ít tỉnh, thành ven biển đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Đặc biệt, tại xã Tân Thuận đã xây dựng và vận hành được mô hình “Đội giám sát cộng đồng IUU”. Ông Lê Xuân Quỳnh – Đội trưởng đội giám sát IUU không giấu được niềm vui: “Phải nhìn nhận từ sau khi mô hình đưa vào triển khai, làng biển nơi đây hồi sinh mạnh mẽ, nhiều ngư dân bỏ biển đã trở lại với nghề, ai cũng phấn khởi sau những chuyến biển đầy ắp cá, tôm. Minh chứng rõ nhất là từ 50 thành viên ban đầu, nay đã có khoảng 180/250 thành viên đang đánh bắt trong vùng tham gia vào hội một cách tự nguyện, tự đóng góp kinh phí để làm chà, rạn nhân tạo”.
Là tỉnh có nghề cá lớn, nguồn lợi thủy sản từng rất phong phú.
Chính sự thành công này, đã làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân một cách rõ nét. Họ được đánh dấu vùng biển thực hiện đồng quản lý, vừa tạo “ranh giới” an toàn, ngăn chặn hoạt động của các nghề cấm, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, những vi phạm về IUU giảm đáng kể, những cạnh tranh mâu thuẫn trong khai thác tại vùng biển áp dụng đồng quản lý đã được hạn chế, nhất là vi phạm của nghề giã cào bay, nghề lưới kéo, lặn trái phép, sử dụng nghề/ngư cụ cấm…
Hướng tới, tỉnh sẽ giảm dần số lượng tàu cá ven bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để chống khai thác IUU hiệu quả, Bình Thuận đã có kế hoạch khuyến khích ngư dân tham gia những mô hình hay trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, giảm dần số lượng tàu cá ven bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân, mở ra sinh kế mới cho ngư dân như phát triển nuôi biển, triển khai các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái… Có như vậy, đời sống của ngư dân sẽ ổn định và nghề cá sẽ phát triển theo 1 hướng mới an toàn và bền vững hơn.
Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước với tổng số tàu cá là 7.824 chiếc. Tỉnh đã thực hiện đăng ký 5.940 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên và cập nhật vào sổ đăng ký quốc gia, đạt 75,9%. Bình Thuận là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai rà soát tàu “3 không” (chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có giấy phép khai thác) đạt tỷ lệ cao. Đến nay, toàn tỉnh còn 1.882 tàu “3 không”, trong đó, trên 90% là các tàu có chiều dài từ 6 - 12m.