Ngành thủy sản có cơ hội hưởng lợi trong năm tới nhờ chính sách thuế nhiệm kỳ Trump 2.0?
Cuộc chiến thương mại đã chuyển hướng nhu cầu của Mỹ về hải sản Trung Quốc sang các sản phẩm thay thế của Việt Nam, đặc biệt là cá tra. Vào năm 2018, Việt Nam đã đáp ứng thành công các tiêu chuẩn tương đương nghiêm ngặt hơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đối với xuất khẩu cá tra, đảm bảo tiếp cận thị trường này.
Tôm và cá tra tiếp tục là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025, Cục Thủy sản ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,75 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 10 tỷ USD.
Ông Phạm Quang Toản, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta năm 2024 đã vượt mốc 10 tỷ USD, đây là thành công của toàn ngành. Tuy nhiên trong năm 2025, cần giám sát chặt chẽ hơn về vấn đề dư lượng kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Về thị trường, ông Hòa cho hay, trong năm 2025, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tích cực phối hợp với Cục Thú y trong giám sát dịch bệnh để Ả rập Xê út sớm mở cửa trở lại cho tôm và cá nuôi của Việt Nam. Đồng thời, tích cực đàm phán và cố gắng khai thác tốt hơn tại thị trường Trung Quốc.
Về cơ cấu mặt hàng, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), xuất khẩu tôm năm 2024 vẫn giữ đà tăng trưởng 2 con số khi sang các thị trường chính như EU, Trung Quốc và Mỹ, đạt gần 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Nhu cầu phục vụ lễ hội cuối năm ở Mỹ, EU và nhu cầu phục vụ Tết nguyên đán ở Trung Quốc góp phần làm tăng đơn đặt hàng từ các thị trường này.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tuy không tăng mạnh nhưng duy trì được đà tăng trưởng dương do tỷ giá quý cuối năm ổn định và sự phục hồi của đồng yên. Bên cạnh đó, các thị trường nhỏ hơn như Nga, Canada, Australia, Anh, Đài Loan (Trung Quốc) cũng cho thấy nhiều tiềm năng trong năm 2024.
Giá tôm trong nước dịp cuối năm phục hồi, nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm, các hệ thống phân phối lớn trên thế giới tăng tìm kiếm nguồn cung từ tôm Việt Nam, mặc dù giá cao hơn nhưng đảm bảo an toàn, dẫn đến đơn hàng tăng khá.
Còn với cá tra, vượt qua thiệt hại lớn từ cơn Bão số 3 (Yagi), những tác động từ cước vận tải biển, chi phí sản xuất gia tăng, giá nhập khẩu phục hồi chậm,.. xuất khẩu cá tra vẫn đạt được mục tiêu đề ra hồi đầu năm 2024 với 2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm 2023.
Triển vọng ngành thủy sản trong nhiệm kỳ Trump 2.0
Trong dự báo ngành thủy sản công bố mới đây, Chứng khoán Vietcap dự báo ngành cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các chính sách thuế của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2. Thực tế, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump (2017–2021), xuất khẩu cá tra Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự phát triển khuôn khổ pháp lý.
Ngoài ra, trong cùng năm đó, Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với một loạt hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm một số sản phẩm hải sản như cá rô phi. Những chính sách đó đã dẫn đến giá bán trung bình (ASP) cao kỷ lục đối với cá tra vào năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Ngược lại, tôm Việt Nam trong giai đoạn này chứng kiến sự cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador khi các quốc gia này tận dụng chi phí nuôi trồng thấp hơn.
Vietcap cho rằng cá tra Việt Nam có khả năng tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách thuế quan thuận lợi, đặc biệt nếu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump thực hiện việc tăng thuế đối với cá rô phi Trung Quốc.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, cá tra Việt Nam có lợi thế về chi phí thấp hơn so với cá rô phi Trung Quốc, với giá bán trung bình trước thuế của cá tra là 3 USD/kg so với 3,2 USD/kg của cá rô phi (giá bán trung bình sau khi áp dụng mức thuế hiện tại là 3,1 USD/kg đối với cá tra và 4 USD/kg đối với cá rô phi). Ngay cả khi có khả năng áp dụng mức thuế 10-20% đối với cá tra, giá bán trung bình của cá tra Việt Nam khả năng vẫn thấp hơn cá rô phi Trung Quốc.
"Cá tra Việt Nam có thể duy trì giá cả cạnh tranh, được hưởng lợi từ lợi thế về thuế quan và sự thay đổi cơ cấu nhu cầu nếu Mỹ duy trì mức thuế cao đối với cá rô phi Trung Quốc và nếu các nhà sản xuất cá tra Việt Nam tiếp tục thích ứng tốt với các điều kiện thị trường. Vì vậy, Vĩnh Hoàn (mã: VHC) là bên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này," đơn vị phân tích nhận định.
Về xuất khẩu tôm, Vietcap cũng đánh giá tích cực qua các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá/thuế chống trợ cấp.
Theo kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 22/10/2024, thuế chống trợ cấp cho tôm Ấn Độ/Ecuador là 5,77%/3,78%, cao hơn mức 2,84% của Việt Nam. Nếu kết quả chính thức này được duy trì đến tháng 12/2024, vị thế của tôm Việt Nam dự kiến sẽ được củng cố trên thị trường Mỹ và đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ giá cho các nhà chế biến tôm Việt Nam.
Ngoài ra, đơn vị phân tích còn nêu một số yếu tố thuận lợi khác giúp mang lại triển vọng tích cực cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2025. Đó là chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng tại Mỹ và sự phục hồi dự trữ hàng tồn kho vào cuối năm 2024 đến năm 2025; Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy chi tiêu và tiêu dùng trong dân chúng, giúp hỗ trợ cho việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào thị trường này; các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của EU đối với các sản phẩm thủy sản của Nga và Trung Quốc có thể có lợi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Trong một góc nhìn khác, Vasep cho biết trong năm qua, ngành tôm đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn “chạm đáy” so với các năm trước, đã khiến nhiều hộ nuôi phải cầm chừng hoặc thậm chí “treo ao”. Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất tôm từ Việt Nam trong năm 2024, nhưng có thể sẽ bị tôm Indonesia soán ngôi đầu do Indonesia bị áp thuế cao ở Mỹ và sẽ tìm cách chuyển đổi qua Nhật Bản. Thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí trong các cuộc họp tổng kết năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản trong năm 2024 dù đã gặp nhiều khó khăn, nhất là sau bão số 3 nhưng nhìn chung đã làm rất tốt, đã phát huy được nội lực, chỉ đạo đã có sự lan tỏa, hợp tác đã chặt chẽ. Tuy nhiên trong năm 2025 vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi đây là năm tiền đề quan trọng để về đích Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030.
Cũng theo Thứ trưởng, tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa. Đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…