Ngành thủy sản nỗ lực đa dạng hóa thị trường

Các doanh nghiệp ngành thủy sản kỳ vọng, sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn về vận tải sẽ 'giảm nhiệt', nhu cầu sẽ phục hồi.

Ngành thủy sản nỗ lực hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Ngành thủy sản nỗ lực hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Đánh giá kết quả đạt được trong gần 6 tháng qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Quá trình đô thị hóa khiến ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng khi chịu những tác động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương... Ngoài ra, biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản. Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu...

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hiệp hội và các doanh nghiệp (DN) không ngừng nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thu về những con số kim ngạch xuất khẩu ấn tượng.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hòe cho biết, trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.

Phân tích về thị trường, đại diện VASEP cho biết, trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự báo về xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Theo phản ánh của các DN, song song với những khó khăn từ cước tàu biển, DN thủy sản cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khác. Cụ thể, thủy sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Cuối năm 2023, Hiệp hội các Nhà chế biến tôm Hoa Kỳ đã đệ đơn yêu cầu điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm từ 4 nước: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam với hơn 40 chương trình. Kết quả điều tra sơ bộ đã có ở mức 2,84% và các DN xuất khẩu tôm phải ký quỹ từ tháng 4/2024. Dự kiến tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng và tháng 10/2024, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) sẽ bỏ phiếu đánh giá kết quả điều tra.

Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc dự báo thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 và 12 tỷ USD và năm 2030, bà Sắc cho rằng, các DN cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, cập nhật thông tin từ các thị trường đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-thuy-san-no-luc-da-dang-hoa-thi-truong-10283391.html