Ngành tòa án chú trọng thu hồi tài sản với vụ án kinh tế, tham nhũng

Sáng 20-3, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục với phiên chất vấn trực tuyến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, trong đó có việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Chủ tích Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sáng 20-3 – Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tích Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sáng 20-3 – Ảnh: Quochoi.vn

Theo Quochoi.vn đưa tin, trong quá trình giải quyết các vụ án, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của nhà nước, đồng thời chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có; áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Tuy nhiên, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng hiện vẫn gặp khó khăn, vướng mắc như nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất; việc xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó, việc giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…

Liên quan đến công tác thu hồi tài sản đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, ông Bình thừa nhận mô hình tổ chức hiện nay chưa hợp lý, một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán, không có tòa chuyên trách để giải quyết, như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ, tòa hành chính… nên hiệu quả giải quyết rất khiêm tốn.

Để nâng cao chất lượng xử lý các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh ngành tòa án sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan để nâng cao chất lượng hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng; bố trí các thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

TTXVN đưa tin, trả lời chất vấn về hiệu quả tòa hành chính, ông Bình cho biết, các vụ án hành chính hiện tỷ lệ sửa nhiều, thi hành ít. Nguyên nhân về chủ quan do năng lực của thẩm phán, trách nhiệm thẩm phán; khách quan do sự tuân thủ quy định của UBND các cấp đối với án hành chính còn thấp: không tham gia hòa giải đối thoại, không tham gia xét xử, không cung cấp chứng cứ cho người dân theo quy luật… Việc lưu giữ hồ sơ của chính quyền, nhất là tài liệu về đất đai do phòng địa chính không đầy đủ, người dân không có hồ sơ gốc, nhưng khi người dân yêu cầu thì chậm trễ.

Đưa ra giải pháp về tình trạng cán bộ ngành tòa án sai phạm, hoặc xin nghỉ việc có chiều hướng tăng, ông Bình nói, ngành tòa án sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng; xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ, thẩm phán không thể tham nhũng.

Tòa án nhân dân tối cao sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-toa-an-chu-trong-thu-hoi-tai-san-voi-vu-an-kinh-te-tham-nhung/