Ngành trang sức Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh trong khu vực

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho biết, doanh nghiệp sản xuất vàng tại Việt Nam vô cùng khan hiếm nguyên liệu sản xuất trong nước, trong khi hoàn toàn có đủ năng lực cạnh tranh trong khu vực.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc)

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc)

Chi 1-2 tỷ USD nhập khẩu vàng nguyên liệu không phải là vấn đề lớn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn phát triển thị trường vàng trang sức, hạn chế vàng miếng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vàng trang sức trong nước đang gặp khó khăn kép vì không có nguyên liệu sản xuất. Theo ông, với quy mô thị trường vàng trang sức Việt Nam, cần nhập khẩu bao nhiêu vàng nguyên liệu mỗi năm?

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và nghiên cứu từ Metal Focus, nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam dao động khoảng 15-20 tấn mỗi năm. Vì vậy, Việt Nam phải nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất số trang sức này.

Gần đây, khi đến thăm nhà máy sản xuất đồ trang sức lớn nhất Việt Nam, chúng tôi đã hỏi giám đốc nhà máy này về nhu cầu vàng nguyên liệu trong một năm và được biết, với năng lực sản xuất tối đa có thể đạt 7 tấn sản phẩm mỗi năm, họ cần ít nhất là 3,5 tấn vàng nguyên liệu và con số này chỉ chiếm 15% tổng sản lượng vàng trang sức tại Việt Nam.

Được biết, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã gửi kiến nghị về việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tới NHNN và vẫn đang đợi câu trả lời. Hy vọng rằng, kiến nghị sẽ được NHNN chấp thuận trong năm nay.

Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam không cho phép nhập khẩu vàng để ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh tỷ giá dự báo chịu nhiều áp lực trong năm 2025, việc tiếp tục không cho phép nhập khẩu vàng là lựa chọn hợp lý?

Năm 2024, Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỷ USD, tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 25 tỷ USD và kiều hối là 16 tỷ USD. Như vậy, năm ngoái, Việt Nam đã thu về lượng ngoại tệ là 65 tỷ USD.

Nhu cầu vàng nguyên liệu thô của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 20 tấn, tức khoảng 1,7 tỷ USD. Với lượng ngoại tệ thu về 65 tỷ USD, tôi nghĩ bỏ ra 1,7 tỷ USD nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn là hợp lý, không ảnh hưởng gì tới kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về trình độ chế tác, cũng như khả năng xuất khẩu vàng trang sức của Việt Nam? Theo ông, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu vàng trang sức để cân bằng lại lượng ngoài tệ đã bỏ ra để nhập khẩu vàng hay không?

Gần đây, chúng tôi đã đến thăm Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), một trong những công ty trang sức lớn nhất Việt Nam với hơn 6.000 nhân viên và là một công ty niêm yết đại chúng. Công ty hiện có 2 nhà máy sản xuất và sẽ có nhà máy thứ ba trong tương lai gần.

Đại diện PNJ cho biết, Công ty đã xuất khẩu sản phẩm đến các khách hàng của 15 quốc gia trên thế giới. Nhưng vì không thể mua đủ vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước, lượng sản phẩm trang sức dành cho xuất khẩu của PNJ hiện rất ít.

Nếu Thái Lan, Malaysia và Indonesia có thể xuất khẩu hàng chục tỷ USD vàng trang sức mỗi năm, tại sao Việt Nam lại không thể? Ngành trang sức của Việt Nam có năng lực và lực lượng lao động để cạnh tranh với các đối tác trong khu vực, nhưng Chính phủ cần có cơ chế và tạo thuận lợi hỗ trợ cho ngành này.

Bên cạnh việc cho phép nhập khẩu vàng, Việt Nam cần có thêm những giải pháp gì để thị trường vàng trang sức phát triển?

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm cho phép tự do kinh doanh vàng trang sức. Nghị định quy định các điều kiện đối với sản xuất và kinh doanh vàng trang sức. Vì vậy, yêu cầu của chúng tôi là loại bỏ các hạn chế đối với vàng trang sức và coi đây như một hàng hóa bình thường, không cần bất kỳ một điều kiện kinh doanh nào.

Giải pháp thứ hai, theo chúng tôi, là thành lập sàn giao dịch vàng tại Việt Nam.

Để hạn chế cầu vàng vật chất mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư vàng của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, nên thí điểm thành lập sàn vàng. Việc Trung tâm tài chính quốc tế sắp được thành lập là thời điểm thích hợp để thí điểm sàn vàng. Ông nghĩ sao về điều này?

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đang đề xuất với NHNN thành lập sàn giao dịch vàng. Trả lời trước Quốc hội vào ngày 11/11/2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN cũng đang nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn nữa, để thành lập sàn vàng, thì Nghị định 24/2012/NĐ-CP sửa đổi cũng phải cho phép thành lập sàn giao dịch vàng.

Việt Nam đang có chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng. Theo tôi, nếu TP.HCM muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế để cạnh tranh với Hồng Kông và Singapore, thì Việt Nam cần thành lập nhiều sàn giao dịch hàng hóa, trong đó có sàn giao dịch vàng.

Năm 2024, vàng là một trong những kênh đầu tư tốt nhất với hiệu suất tăng giá gần 26%. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2024, vàng là một trong những kênh đầu tư tốt nhất với hiệu suất tăng giá gần 26%. Ảnh: Đức Thanh

Mối quan hệ vàng - lãi suất - USD ngày càng suy yếu

Kinh tế thế giới khởi động năm 2025 với rất nhiều biến động. Theo ông, đâu là những yếu tố chính tác động đến thị trường vàng năm nay?

Năm 2024, vàng là một trong những kênh đầu tư tốt nhất với hiệu suất tăng giá gần 26%. Các dự báo của thị trường cho rằng, hiệu suất của vàng trong năm 2025 khiêm tốn hơn, nhưng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng.

Đầu tiên, lãi suất USD của Mỹ sẽ có tác động đến thị trường vàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện có vẻ không muốn hạ lãi suất nhanh như kỳ vọng ban đầu. Điều này sẽ là một trở ngại với thị trường vàng. Thông thường, quyết định tăng/giảm lãi suất của Fed sẽ tác động mạnh đến USD, từ đó tác động đến thị trường vàng.

Tuy nhiên, suốt trong năm 2024, chúng tôi thấy mối quan hệ giữa vàng - lãi suất - USD đã không còn mạnh như trước. Nhiều nhà đầu tư trên thế giới mua vàng bởi những lý do không hề liên quan đến lãi suất hay giá trị USD.

Đơn cử, nửa đầu năm 2024, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong thúc đẩy nhu cầu vàng. Nhóm nhà đầu tư này lao vào mua vàng vì các loại tài sản khác ở Trung Quốc (bất động sản, chứng khoán…) kém hiệu quả. Triển vọng kinh tế kém tích cực tại Trung Quốc khiến nhà đầu tư đổ xô mua vàng, coi đây là kênh đầu tư tốt. Sức mua vàng tăng vọt tại Trung Quốc không liên quan đến USD, hay lãi suất của Fed, họ mua hoàn toàn vì vàng trở thành kênh đầu tư phù hợp với họ.

Hay như lực cầu của nhóm ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương mua vàng vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm rủi ro địa chính trị và mong muốn quản lý rủi ro trong danh mục đầu tư của họ, chứ không xuất phát từ lãi suất của Mỹ hay sự tăng giảm của USD.

Xuất phát từ tình hình này, kinh tế địa chính trị năm 2025 vẫn sẽ biến động mạnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân và ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng như “tấm đệm” dự phòng rủi ro. Điều này có thể có tác động tích cực đến giá vàng.

Như ông nói, lực mua vào của khối ngân hàng trung ương là một trong những yếu tố thúc đẩy giá vàng năm 2024. Theo ông, xu hướng này có tiếp diễn năm 2025?

Tôi cho rằng, các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục mua ròng vàng trong năm 2025. Theo khảo sát hàng năm của chúng tôi đối với các ngân hàng trung ương, các ngân hàng này vẫn có nhu cầu mua thêm vàng rất lớn. Hội đồng Vàng thế giới nhận thấy, ngay cả khi giá vàng tăng cao và đạt kỷ lục vào năm ngoái, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.

Tất nhiên, giá cả là một trong những yếu tố trong quyết định mua vàng của các ngân hàng trung ương, nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất là yếu tố chiến thuật.

Thông thường, ngân hàng trung ương sẽ đưa ra quyết định ở cấp độ chiến lược rằng họ muốn mua vàng, sau đó việc thực hiện được trao cho các nhà quản lý dự trữ. Những người này sẽ tránh những thời điểm giá vàng cao và tìm kiếm cơ hội mua khi giá vàng thấp hơn. Về tổng thể, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ mua ròng vàng trong năm 2025.

Vậy sự trỗi dậy của thị trường tiền số - đặc biệt là “vàng số” bitcoin - có làm suy yếu vị thế của vàng, theo ông?

Bitcoin và vàng thường được so sánh với nhau, nhưng thật ra, hai loại tài sản rất khác nhau. Bitcoin là tiền điện tử, còn vàng là kim loại quý. Hai loại tài sản này có chức năng và đặc điểm tài chính khác biệt. Bề ngoài, hai loại tài sản này có một số điểm tương đồng, như đều có giới hạn về số lượng. Bitcoin và vàng cũng thường được coi là các lựa chọn thay thế cho các loại tiền tệ pháp định.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những điểm tương đồng bề ngoài nêu trên, thì hai tài sản này có rất nhiều khác biệt. Khác biệt lớn nhất, theo tôi, bitcoin hoàn toàn chỉ là một tài sản tài chính, trong khi vàng không chỉ là tài sản tài chính, mà còn có nhiều vai trò khác nhau. Khoảng 30 - 40% nhu cầu về vàng trên thế giới là phục vụ nhu cầu đầu tư, phần lớn còn lại phục vụ nhu cầu vàng trang sức hoặc nguyên liệu sản xuất công nghiệp.

Chính vì vậy, giá bitcoin hoàn toàn lên xuống theo tâm lý của nhà đầu tư, trong khi giá vàng không chỉ phản ứng hoàn toàn theo tâm lý của nhà đầu tư, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.

Hiện bitcoin đang nhận được rất nhiều sự chú ý, nhưng tôi cho rằng, cuối cùng mọi người sẽ nhận ra rằng, bitcoin và vàng là hai loại tài sản rất khác nhau và có những quy tắc khác nhau.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-trang-suc-viet-nam-co-du-nang-luc-canh-tranh-trong-khu-vuc-d242357.html