Ngành Tư pháp cần tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt

Sáng ngày 21-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Dự tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Sóc Trăng có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; các phòng tư pháp huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tham dự hội nghị tư pháp tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: K.N

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tham dự hội nghị tư pháp tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: K.N

Năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát văn bản vi phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Đối với Sóc Trăng, trong năm 2021, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ bản tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Công tác kiểm tra, góp ý, đánh giá hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp được thực hiện đảm bảo kịp thời, chính xác, đảm bảo tính hợp pháp theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong năm 2021, Sở Tư pháp đã thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 3.199 trường hợp. Tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến 1.327 trường hợp...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Tư pháp trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19...

K.N

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nganh-tu-phap-can-tap-trung-tham-muu-the-che-hoa-nhung-dinh-huong-chinh-sach-lon-then-chot-53964.html