Ngành tư pháp khắc phục được tình trạng xin lùi, xin rút dự án Luật

Ngày 24-12, tại Hà Nội, Bộ Tư Pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2020.Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Theo đó, ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt, tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng, qua đó, xây dựng các luận cứ quan trọng để Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách pháp luật trong giai đoạn tới.

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 125 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trả lời 124 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội trong năm 2019; tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương và nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, nhiều bất cập cũng như khó khăn của ngành tư pháp đã được các đại biểu thẳng thắn nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, tham gia phát biểu ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch thẳng thắn nêu: Tình trạng đăng ký lại khai sinh diễn ra phổ biến, trần lan, ồ ạt ở nhiều địa phương. Có những tháng tiếp nhận tới 600-700 trường hợp đăng ký lại khai sinh. Thời gian tới kiến nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với sở tư pháp các tỉnh trong việc đăng ký lại giấy khai sinh.

Chưa dừng lại, vị này còn chỉ rõ, qua công tác chuyên ngành, nhận thấy còn những trường hợp địa phương cấp giấy chứng minh nhân dân cho một số người không phải người Việt Nam. Để giúp cho công tác này triển khai tốt, ông Nguyễn Công Khanh kiến nghị: Lãnh đạo UBND tỉnh, trung ương quan tâm hơn nữa trong việc đảm bảo tư pháp. Tránh yêu cầu người dân đi đăng ký lại giấy khai sinh hay cải đính lại hộ tịch…

Một vấn đề khác được ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế(Bộ Tự Pháp) nhắc đến là vấn đề vướng mắc, khiếu kiện của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Ông An nêu rõ: việc ký các điều ước quốc tế là việc làm phù hợp với thế giới, góp phần nâng cao uy tín, hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Việt Nam. Song nếu không cẩn thận, đây cũng là mặt trái để nhà đầu tư nước ngoài căn cứ để khởi kiện, nhất là trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, thu hồi đất, giấy phép xây dựng, khai khoáng.

Nguyên nhân phát sinh xuất phát từ một số vấn đề: Trong quá trình xúc tiến đầu tư chúng ta thường đưa ra cam kết ưu đãi cao hơn quy định pháp luật, đây chính là cơ sở trong trường hợp nhà đầu tư không làm ăn được sẽ quay ra kiện chúng ta. Hay như việc sàng lọc nhà đầu tư, nếu không làm tốt sẽ để lọt nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn, gây kẽ hở cho họ vào kiện Chính phủ ta. Vì vậy việc xây dựng cơ chế phòng ngừa thu hút đầu tư là việc vô cùng quan trọng. Tiếp nữa là hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư chỉ nên đưa ra cam kết theo đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ tư pháp đã tham gia xây dựng giúp Chính Phủ sửa đổi một số Luật, xây dựng pháp lệnh. Kỷ cương hành chính trong thi hành pháp luật từng bước được tăng cường. Từng bước khắc phục được tình trạng xin lùi, xin rút dự án Luật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế 2019, tạo niềm tin vững chắc vào hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành Tư pháp còn một số bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân như chất lượng, tiến độ một số hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội còn chưa đảm bảo; việc xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật, pháp lệnh còn chậm. Vẫn còn sai sót trong một số lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Tỉ lệ thi hành án dân sự còn thấp so với số có điều kiện thi hành.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu thời gian tới cần xem xét lại xem ách tắc ở đâu, phải sửa ở đó. Cần tạo cơ chế "auto mactic". Vấn đề này Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch đầu tư phải phối hợp xử lý nhanh. Phó Thủ tướng cũng chỉ thêm: Với vai trò tham mưu lãnh đạo bộ ngành địa phương về pháp luật, đối với các quyết định về kinh tế còn hạn chế. Bộ Tư pháp cần làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Nếu các quyết định không đảm bảo đúng quy định, khi triển khai các công trình, dự án, khi thu hồi đất, khi xử lý vi phạm về hợp đồng, nhất là những vấn đề liên quan đến yếu tố nước ngoài, thì khó phát triển. Cần chú ý ngay cả thi hành án dân sự, nếu mình làm không đúng, nếu có yếu tố nước ngoài sẽ phát sinh tranh chấp,dẫn đến bất ổn an ninh xã hội...

Phạm Huyền-Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/pho-thu-tuong-truong-hoa-binh-nganh-tu-phap-khac-phuc-duoc-tinh-trang-xin-lui-xin-rut-du-an-luat-575328/