Ngành Văn hóa: Nỗ lực tinh gọn bộ máy, giảm biên chế

Với những giải pháp phù hợp, khả thi, có lộ trình, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, ngành Văn hóa đã nỗ lực sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Cán bộ Trung tâm văn hóa và các nghệ nhân Thái Nguyên tham gia Hội diễn các dân tộc vùng Đông Bắc.

Cán bộ Trung tâm văn hóa và các nghệ nhân Thái Nguyên tham gia Hội diễn các dân tộc vùng Đông Bắc.

Ngay sau Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, học tập trong toàn Đảng bộ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động trong toàn Ngành. Đồng thời, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Xây dựng các Đề án: Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy bên trong của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thành lập Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa và Đoàn Nghệ thuật tỉnh; tổ chức lại Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa; tổ chức lại Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, do tiếp nhận thêm biên chế từ Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc... Với những bước đi phù hợp, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương sáu, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của ngành Văn hóa được thực hiện tổng thể, đồng bộ; đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, đơn vị trực thuộc, tinh giản biên chế.

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết: Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Quá trình sáp nhập được thực hiện một cách khoa học, đúng quy định. Trong đó, Sở chú trọng việc phát huy tính dân chủ bằng hình thức chuyển dự thảo các Đề án cho cán bộ, công chức, viên chức để lấy ý kiến, đề xuất của các phòng, đơn vị trực thuộc về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của phòng, đơn vị mình trước khi trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định. Hiện nay, đã thành lập Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa và Đoàn Nghệ thuật, tổ chức lại gồm ban lãnh đạo và 5 phòng, giảm 3 phòng so với trước khi hợp nhất; tổ chức lại Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, giảm từ 11 phòng xuống còn 6 phòng, đơn vị; tổ chức lại Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, do tiếp nhận thêm 12 biên chế từ Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc với 2 phòng. Về biên chế, từ năm 2016 đến nay đã giải quyết chế độ cho 22 người nghỉ theo Nghị định số 108 và Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh. Năm 2020, kế hoạch của Sở giảm biên chế 1 công chức, 5 viên chức, 2 lao động hợp đồng 68; năm 2021, giảm 1 công chức, 7 viên chức, 3 lao động hợp đồng 68. Theo lộ trình, Sở tiếp tục phải cắt giảm số biên chế như trên, tuy nhiên, việc tinh giản đối với lao động hợp đồng 68 hiện nay đang gặp khó khăn vì căn cứ vào Thông tư số 01/2015-TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 Liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thì kinh phí chi trả cho lao động hợp đồng nghỉ theo Nghị định 108/2014-NĐ/CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế phải lấy từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi hoạt động của đơn vị và nguồn thu. Tuy nhiên, đối với một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở là đơn vị không có thu, đơn vị nhỏ thì gặp khó khăn trong việc có kinh phí để chi trả. Nếu không có kinh phí để chi trả thì không thể giải quyết tinh giản biên chế cho cán bộ theo Nghị định số 108, mà không giải quyết được chế độ sẽ khó khăn cho việc tinh giản biên chế của toàn Ngành theo lộ trình. Đây là những khó khăn mà Ngành đề nghị tỉnh sớm có hướng chỉ đạo, tháo gỡ.

Ban đầu khi sáp nhập một số đơn vị trong Ngành, tư tưởng một số cán bộ, nhất là những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo phòng, lãnh đạo các đơn vị trong diện sáp nhập cũng còn băn khoăn. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã tạo nên sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành Văn hóa. Sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã giảm đầu mối, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc sáp nhập không gây xáo trộn, không trùng lặp, đảm bảo bộ máy của các đơn vị thực sự tinh gọn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/nganh-van-hoa-no-luc-tinh-gon-bo-may-giam-bien-che-265383-97.html