Ngành văn hóa - thể thao TP.HCM định hướng chiến lược sau sáp nhập

Sau khi TP.HCM mở rộng địa giới hành chính, ngành văn hóa - thể thao TP.HCM đề ra nhiều định hướng chiến lược như chuyển từ 'làm văn hóa' sang 'quản lý nhà nước về văn hóa'.

Ngày 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức họp giao ban nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2025. Cuộc họp diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến tại ba điểm cầu: phường Sài Gòn, phường Bình Dương và phường Bà Rịa - những đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.

Toàn cảnh cuộc họp giao ban.

Toàn cảnh cuộc họp giao ban.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành văn hóa - thể thao TP.HCM đã duy trì ổn định các hoạt động trọng tâm, đồng thời bước đầu thích ứng với những thay đổi về mô hình tổ chức bộ máy sau khi địa giới hành chính được mở rộng.

Đặc biệt, cuộc họp lần này dành phần lớn thời gian để bàn thảo các giải pháp tạo động lực mới, giúp thúc đẩy phát triển ngành văn hóa - thể thao trong bối cảnh TP.HCM chuyển mình thành một không gian đô thị tích hợp lớn hơn.

Một trong những định hướng trọng tâm được nhấn mạnh là chuyển từ tư duy “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Song song đó là từng bước hình thành công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn, trong đó có quản trị ngành theo hướng thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hạ tầng văn hóa - thể thao chiến lược, toàn diện.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát toàn diện các hoạt động đã, đang và sẽ triển khai, để đảm bảo hiệu quả và tính kế thừa sau sáp nhập. Ông đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn những “đặc sản” văn hóa - thể thao của từng địa phương.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phát biểu tại cuộc họp.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phát biểu tại cuộc họp.

“Những hoạt động, sự kiện mà trước đây khu vực nào tổ chức tốt thì cần giữ lại, tập trung phát triển và nâng tầm. Tinh thần nhất quán là không bỏ bớt, mà điều chỉnh cho hợp lý về quy mô và đối tượng thụ hưởng”, ông Trần Thế Thuận khẳng định.

Theo ông, trên toàn địa bàn TP.HCM mới, các hoạt động văn hóa - thể thao cần được tổ chức phủ rộng, không tập trung vào vài khu vực trung tâm. “Nơi nào có người dân có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật thì nơi đó phải có chúng ta”, ông Thuận nhấn mạnh.

Cùng với định hướng tổ chức hoạt động, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hồ sơ, phối hợp đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các dự án chuẩn bị đầu tư thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026–2030.

“Phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án tại các địa phương trên địa bàn Thành phố mở rộng”, đại diện Sở cho biết.

Về công tác nhân sự, Giám đốc Sở đề nghị phát huy tối đa năng lực chuyên môn, hiểu biết địa bàn và kỹ năng tổ chức của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời chủ động tiếp nhận cơ sở vật chất văn hóa - thể thao ở các xã, phường sau sáp nhập; xây dựng kế hoạch luân chuyển, tập huấn lực lượng phù hợp với tình hình mới.

Sở cũng sẽ kế thừa và nhân rộng những chính sách ưu việt từ các địa phương sáp nhập, như cơ chế khen thưởng vận động viên, huấn luyện viên, nhằm tạo động lực và môi trường phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Đặc biệt, việc xây dựng và lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tiếp tục được xác định là một nhiệm vụ lâu dài, có tính biểu tượng, nhằm kết nối các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong một thành phố thống nhất, đa dạng, phát triển năng động.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-van-hoa---the-thao-tphcm-dinh-huong-chien-luoc-sau-sap-nhap-d321174.html