Ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cần đổi mới, dám nghĩ, dám làm
Thành ủy Hà Nội vừa thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao ngày 3-3-2021 về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thường trực Thành ủy kết luận, thời gian qua, hoạt động của ngành văn hóa, thể thao Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Sở Văn hóa và Thể thao đã tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị chung của toàn Thành phố.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Cụ thể, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao còn chưa tương xứng. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mới chỉ là bước đầu, chưa trở thành nếp sống, thói quen hằng ngày trong sinh hoạt, lao động của cán bộ và nhân dân Thủ đô. Còn nhiều di tích xuống cấp trên địa bàn Thành phố chưa được tu bổ, tôn tạo đầy đủ, kịp thời…
Để văn hóa, thể thao phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Thường trực Thành ủy yêu cầu ngành Văn hóa và Thể thao TP chủ động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và các nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố ban hành, triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Gia đình. Tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm Văn hóa lớn của đất nước.
Đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh; gắn kết phát triển văn hóa và du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, đặc trưng của Thủ đô. Hoàn thiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng công nghệ 4.0; tham mưu UBND Thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với UNESCO của thành phố Hà Nội khi tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo…
Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và phối hợp triển khai thực hiện kiên trì, bền bỉ nhằm từng bước đưa 2 bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ, nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, lựa chọn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao lớn, đặc trưng, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước, đưa các sự kiện văn hóa, thể thao đẳng cấp khu vực và Thế giới tổ chức tại Hà Nội nhằm thúc đẩy ngành Công nghiệp Văn hóa và Du lịch phát triển. Chú trọng phát triển Thể thao cho mọi người, trong đó thể dục thể thao trường học làm trọng tâm.
Đầu tư nâng cấp, xây mới và sử dụng có hiệu quả các thiết chế thể dục, thể thao; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công SEA Games 31, Para Games 11 năm 2021 và các hoạt động thể thao khác tại Thủ đô Hà Nội bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất, các dịch vụ thể dục, thể thao; quan tâm xây dựng các cơ sở, mô hình tập luyện, sân chơi thể dục, thể thao hấp dẫn tại các khu công nghiệp, khu dân cư, trường học...
Về các đề xuất, kiến nghị, Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và đúng quy định, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình, tiến độ thực hiện.