Ngành Vật liệu Xây dựng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập (11/8/1984 – 11/8/2019), ngày 20/9, Hội Vật liệu Xây dựng (VLXD) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế 'Ngành VLXD Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV'.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý, các hiệp hội cần chung tay thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển VLXD đáp ứng yêu cầu mới theo hướng đô thị thông minh.
Nhằm nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV, nâng cao trình độ khoa học công nghệ để phát triển bền vững, nâng cao năng suất, giảm mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, giảm mức phát thải CO¬2 trong sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời khuyến khích phát triển vật liệu mới, vật liệu xanh thân thiện với môi trường. Ngày 20/9, Hội VLXD Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Ngành VLXD Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ IV”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: “Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển VLXD, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngành VLXD Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm VLXD cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh…
Bên cạnh kết quả chúng ta đã đạt được trong thời gian qua thì chúng ta cũng còn thấy nhiều vấn đề bất cập trong ngành VLXD, nhiều doanh nghiệp vẫn còn công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, tiêu hao năng lượng, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác, ứng dụng được công nghệ mới, quản trị mới nhất là trong giai đoạn 4.0 như hiện nay. Như vậy trong thời gian tới ngành VLXD có rất nhiều việc cần phải làm.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng chiến lược phát triển VLXD giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành VLXD nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng. Với tinh thần như vậy, tôi thấy rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý, các hiệp hội cùng vào cuộc để chúng ta có thể thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển VLXD, ứng dụng khoa học công nghệ, định hướng xây dựng chiến lược để đáp ứng yêu cầu mới, trong giai đoạn mới nhất là khi đất nước ta có tốc độ phát triển rất nhanh theo hướng đô thị thông minh”.
Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam.
Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết: “Từ năm 1987, khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, các sản phẩm chủ yếu về VLXD đã có sự phát triển vượt bậc, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, gia tăng về sản lượng. Đạt được những kết quả trên chính là nhờ sự cố gắng vượt bậc của những người hoạt động trong lĩnh vực VLXD như các nhà đầu tư, các nhà quản lý, các Cty tư vấn, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng mà phần lớn trong số này đều là hội viên của Hội VLXD Việt Nam.
Bên cạnh những nguồn lực nói trên, phải kể đến những đóng góp quan trọng của các tập đoàn, các công ty nước ngoài đã tham gia tích cực vào việc xây dựng các cơ sở vật chất quy mô lớn và hiện đại; đem công nghệ mới vào Việt Nam.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư, các chuyên gia kỹ thuật, các nhà quản lý Việt Nam trong ngành công nghiệp VLXD về những gì đã làm, đang làm và sẽ làm nhằm đưa ngành công nghiệp này tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả để hội nhập thành công cùng với ngành công nghiệp khác trong và ngoài nước”.
Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT của Hệ thống Secoin chia sẻ về việc sử dụng VLXD tại các đô thị thông minh.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tài nguyên khoáng sản không còn là lợi thế tuyệt đối với doanh nghiệp sản xuất VLXD, lợi thế tuyệt đối của doanh nghiệp chính là ứng dụng thành công giá trị khoa học công nghệ sản xuất trong cuộc cách mạng 4.0, tự động hóa, gắn với đổi mới hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, giữ ổn định sản xuất, tiết kiệm trong các khâu đầu vào, nâng cao năng suất tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra các loại sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã cạnh tranh trên thị trường.
Khánh Hòa – Việt Khoa
Theo
Link gốc: