Ngành VHTTDL phát động thi đua chung sức, đồng lòng chiến thắng dịch COVID-19

Chiều ngày 30/8, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua 'Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19' do Thủ tướng Chính phủ phát động.

 Bộ VHTT&DL quyên góp được gần 800 triệu đồng để ủng hộ các văn nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thiện Tâm

Bộ VHTT&DL quyên góp được gần 800 triệu đồng để ủng hộ các văn nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thiện Tâm

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về phòng chống dịch COVID-19; đồng thời cho biết, ngành VHTTDL cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng trong khó khăn đó lại càng quyết tâm để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Bộ VHTT&DL đã chủ động đề xuất Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét Luật Điện ảnh (sửa đổi), đang nghiên cứu để trình Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Bộ VHTT&DL cũng đã tập trung chuyển hướng một số hoạt động sự nghiệp thường tổ chức quy mô tập trung bằng cách tận dụng cuộc cách mạng lần thứ 4, công nghệ số để không bị "đứt gãy" các nhiệm vụ của ngành. Thông qua các chương trình nghệ thuật giàu tính sáng tạo đã góp phần kết nối, san sẻ yêu thương để người dân đồng lòng vượt qua đại dịch.

Bên cạnh việc tập trung cho thể thao thành tích cao, ngành cũng đã vận dụng linh hoạt nhiều phương án, sử dụng công nghệ để ứng dụng vào những hoạt động thể thao như giới thiệu các bài tập phù hợp từng lứa tuổi với thông điệp "cả nhà tập ngay, đánh bay COVID-19".

Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTT&DL cũng tập trung để cơ cấu lại, đề xuất với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đưa ra kịch bản tổ chức đón khách du lịch quốc tế khi dịch được kiểm soát, cơ cấu lại thị trường du lịch theo hướng chú trọng đến du lịch nội địa, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Theo Bộ trưởng, từ những kết quả đó đã cho thấy toàn ngành VHTTDL đã quyết tâm hành động bằng một khát vọng cống hiến. Sức lan tỏa của văn hóa đã đến được với cộng đồng.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã phát động hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" trong ngành VHTTDL với 5 nội dung cụ thể.

Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh của văn hóa trong toàn ngành. Đảng ủy Bộ, các đoàn thể chính trị và từng cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên, người lao động của ngành VHTTDL nêu cao ý thức, trách nhiệm "mỗi cán bộ văn hóa - tiêu biểu cho lối sống về văn hóa" và "nhận thức đúng - để hành động đẹp", thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tích cực động viên, khích lệ đồng nghiệp, người thân và những người xung quanh tham gia phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không để dịch lây lan tới cơ quan, đơn vị, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Xác định nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sự an toàn của từng cơ quan, đơn vị trong toàn ngành là trên hết, trước hết.

Thứ hai, quan tâm, chăm lo sức khỏe, đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành với tinh thần "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Khẩn trương triển khai, đôn đốc thực hiện việc hỗ trợ cho các viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung đối tượng, lĩnh vực của ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 được nhận hỗ trợ; nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật, các doanh nghiệp du lịch.

Thứ ba, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống 76 năm vẻ vang của ngành để phát huy được "sức mạnh mềm" của văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn "phong phú về loại hình - đặc sắc về nội dung - đa dạng về hình thức" nhằm cổ vũ, mang tới "Liều vaccine tinh thần", tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân vượt qua đại dịch với các chỉ tiêu đề ra cụ thể ở cấp Bộ như sau: Tổ chức thành công 28 chương trình nghệ thuật trên sóng VTV, VOV, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội và trên nền tảng số; tổ chức các tuần phim, liên hoan phim theo chủ đề và phổ biến 50 bộ phim Việt Nam trên kênh Youtube của Viện phim Việt Nam để phục vụ nhân dân; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình "Nhà hát online", thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình "Bảo tàng online", chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…

Thứ tư, "Thi đua hăng hái - Truyền thông kịp thời - Thông tin chính xác - Cái đẹp được nhân ra - Cái xấu xa bị đẩy lùi". Các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành thi đua làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin khách quan, chính xác, kịp thời về các hoạt động của ngành; cổ vũ, lan tỏa các giá trị nhân văn, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; biểu dương, khích lệ, động viên các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay; cổ vũ lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng dịch bệnh.

Thứ năm, kiên quyết, kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" trong toàn ngành. Toàn ngành tập trung vào công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay nhưng không xem nhẹ các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ phát triển của ngành để thực hiện "Mục tiêu kép", trong đó xác định: Quản lý Nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; công tác cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực VHTTDL là nhiệm vụ then chốt, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2021-2030; việc tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của ngành là nhiệm vụ quan trọng; lấy nguồn lực bên trong, nguồn lực con người, giá trị con người Việt Nam là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là yếu tố quyết định để xây dựng, phát triển và khẳng định vị thế của ngành VHTTDL trong thời gian tới.

Tại buổi phát động, Bộ VHTT&DL đã quyên góp được gần 800 triệu đồng để ủng hộ các văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên có nhiều đóng góp cho nghệ thuật và thể thao nước nhà có hoàn cảnh già yếu, neo đơn, gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/nganh-vhttdl-phat-dong-thi-dua-chung-suc-dong-long-chien-thang-dich-covid19/444692.vgp