Ngành Xây dựng góp phần dựng xây quê hương đất Phú

Cầu Hùng Vương góp phần mở rộng không gian đô thị của TP Tuy Hòa về phía nam. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Thời gian qua, ngành Xây dựng tỉnh nhà đã phát huy vai trò đầu tàu trong việc hoạch định quy hoạch, định hướng không gian phát triển và xây dựng các công trình..., góp phần cho công cuộc phát triển của Phú Yên trong thời kỳ mới.

Trưởng thành từ gian khó

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Xây dựng tỉnh Phú Yên đã có nhiều đóng góp trong xây dựng cơ sở phục vụ cho hoạt động của Tỉnh ủy và các cơ quan chính quyền cách mạng, mà nổi bật là khu căn cứ của Tỉnh ủy, Hội trường Mùa Xuân và Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa); khu địa đạo Gò Thì Thùng lịch sử (xã An Xuân, huyện Tuy An); tuyến vận tải tiếp tế ở cảng Vũng Rô anh hùng (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa)…

Sau ngày đất nước thống nhất, vượt qua muôn vàn gian khó về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, con người buổi ban đầu, ngành Xây dựng đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai ngay các nhiệm vụ quản lý, kiến thiết quê hương, đất nước. Thách thức lớn nhất là quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước vào những ngày đầu tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989). Song, bằng nỗ lực và trí tuệ, tâm huyết, các cán bộ, kỹ sư, công nhân trong ngành Xây dựng đã khẩn trương triển khai công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ nhà ở, công sở tại thị xã tỉnh lỵ Tuy Hòa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phải đi vào hoạt động ngay sau khi có quyết định chia tách tỉnh.

Trải qua chặng đường hơn 30 năm phát triển (từ tái lập tỉnh đến nay), ngành Xây dựng Phú Yên đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển, đóng góp to lớn vào việc tạo lập nền tảng cơ sở vật chất, các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.

Tầm nhìn quy hoạch, phát triển đô thị

Ngày 29/4/1958, theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa I, Bộ Kiến trúc được thành lập - nay là Bộ Xây dựng. Từ đó đến nay, ngày 29/4 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, việc hoạch định phương hướng, xác định tầm nhìn luôn là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công. Do đó, công tác quy hoạch luôn là khâu quan trọng hàng đầu và là bước thực thi đầu tiên nhằm tạo nên viễn cảnh, không gian phát triển cho tương lai. Các đô thị có vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, dịch vụ của địa phương, khu vực và tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đô thị cũng là nơi tạo ra không gian sống lý tưởng, chất lượng, nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống người dân như y tế, giáo dục, văn hóa và là nơi thu hút phần lớn nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất. Chính vì vậy, công tác quy hoạch đô thị luôn có tầm quan trọng cốt yếu, có ý nghĩa quyết định sự thành công của chính sách phát triển.

Vào những ngày đầu tái lập tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh chỉ có TX Tuy Hòa là đô thị loại 4 và 6 thị trấn loại 5 gồm Sông Cầu, La Hai, Chí Thạnh, Hai Riêng, Củng Sơn và Phú Lâm, trong đó các thị trấn đều chưa có quy hoạch chung. Tỉ lệ đô thị hóa ở mức rất thấp và cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sạch, đường giao thông, thoát nước, thu gom rác thải chưa được đầu tư... Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng các đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang. Tất cả các đô thị đều được phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết từng bước được phủ kín với tỉ lệ trên 40% diện tích quy hoạch chung. Các đô thị được quy hoạch với định hướng kết nối không gian, hệ thống hạ tầng đồng bộ và kiến trúc cảnh quan mang bản sắc đặc trưng của vùng đất Phú Yên. Tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 38%, mức sống của người dân nói chung và cư dân đô thị nói riêng ngày càng nâng cao.

Những kết quả trên đã khẳng định công tác quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn và quan điểm phát triển bền vững luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, đòi hỏi trình độ, năng lực và tầm cao trí tuệ của nhà quản lý và nhà chuyên môn.

Lấy chất lượng công trình là mục tiêu phát triển

Dưới bàn tay, khối óc sáng tạo và mồ hôi của những kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân xây dựng, đến nay tỉnh ta đã có những công trình hạ tầng tầm cỡ như: Hầm đường bộ Đèo Cả - Cù Mông; 4 cây cầu bắc qua sông Ba (cầu Hùng Vương, cầu Đà Rằng mới, cầu Dinh Ông, cầu Sông Ba); sân bay Tuy Hòa cùng các nhà máy thủy điện, điện mặt trời, các khu công nghiệp, nhà máy dược phẩm… mở lối phát triển. Những công trình văn hóa lịch sử như Nhà văn hóa Diên Hồng, Bảo tàng tỉnh; những công trình vui chơi, giải trí như Công viên biển Tuy Hòa, hồ điều hòa Hồ Sơn; những khách sạn cao tầng, những khu nghỉ dưỡng tiện nghi; những trung tâm thương mại cao cấp, hiện đại cùng nhiều khu đô thị, công trình lớn, hiện đại dần được hình thành tạo nên dấu ấn, vị thế, tầm vóc mới cho TP Tuy Hòa.

Và còn nhiều dự án, công trình chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo đang được những kỹ sư, những người thợ ngày đêm hối hả làm việc để mong sớm hoàn thành như: cầu vượt đường sắt và đường Nguyễn Tất Thành; cầu vượt nút giao Hùng Vương - quốc lộ 1; Quảng trường - không gian công cộng Nguyễn Hữu Thọ - Độc Lập; kè chống xói lở và khu đô thị bờ tả sông Ba; Công viên trung tâm khu đô thị Nam TP Tuy Hòa…

Sản phẩm của ngành Xây dựng là những công trình, là kết quả của lao động sáng tạo, được kết tinh, hình thành trong một chuỗi hoạt động từ trí óc đến chân tay của con người. Chính vì vậy, yếu tố con người là trung tâm của chuỗi hoạt động sáng tạo đó. Những công trình sống mãi với thời gian là minh chứng vững chắc khẳng định phẩm chất và năng lực của những người làm nghề xây dựng.

Phát triển con người

Con người là nhân tố quyết định để tạo nên bản sắc, truyền thống ngành Xây dựng. Từ buổi đầu chia tách tỉnh, lực lượng cán bộ, chuyên gia kỹ thuật chỉ có mười mấy người với vài công ty, xí nghiệp của Nhà nước. Họ là những người được đào tạo bài bản, trui rèn qua chiến đấu, qua thực tế công trường, bằng sự tâm huyết, yêu nghề, khát khao cống hiến, dựng xây quê hương, đã nỗ lực ngày đêm chung tay xây dựng nên những công trình, cơ sở vật chất ban đầu tạo tiền đề cho sự hình thành và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh. Trong hoàn cảnh gian khó, truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau luôn được phát huy thành sức mạnh. Nhờ vậy, hơn 30 năm qua, nhiều lớp cán bộ, kỹ sư, chuyên gia xây dựng được đào tạo bài bản, được hướng dẫn, dìu dắt bởi các lớp đàn anh trưởng thành để đưa những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng. Hiện nay, toàn ngành đã phát triển trên 3.100 kỹ sư, trên 120 kiến trúc sư, hàng chục ngàn công nhân, thợ lành nghề đang công tác, lao động tại trên 600 đơn vị, doanh nghiệp.

Trong suốt quá trình dựng xây và phát triển của tỉnh nhà, đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Xây dựng luôn cần mẫn như đàn ong thợ làm nên những công trình, những đô thị, những tổ ấm hạnh phúc cho mọi nhà. Và từ đó, thông qua lao động, sáng tạo, họ đã tạo nên bản sắc, cốt cách riêng của nghề được ví như những người khai phá các chân trời mới như câu nói “xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi”…

Trong những năm tới, ngành Xây dựng Phú Yên ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

- Phủ kín quy hoạch và nâng cao chất lượng, tầm nhìn trong các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tạo nên một tổng thể không gian phát triển toàn tỉnh với tầm nhìn và bản sắc đặc trưng, tạo nên sức mạnh đột phá, đưa Phú Yên cất cánh.

- Tạo thêm nhiều công trình, tác phẩm kiến trúc có bản sắc riêng, hữu dụng và gây ấn tượng với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, góp phần vào quảng bá văn hóa, du lịch Phú Yên.

- Nâng cao chất lượng công trình và coi trọng yếu tố phát triển bền vững, lấy chất lượng môi trường sống và làm việc của con người làm mục tiêu hàng đầu để hướng tới.

HUỲNH LỮ TÂN

Giám đốc Sở Xây dựng

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239249/nganh-xay-dung-gop-phan-dung-xay-que-huong-dat-phu.html