Ngành xây dựng Tiền Giang chú trọng chất lượng công trình trước cơn 'bão giá'
Hiện nay, ngành xây dựng ở tỉnh Tiền Giang đang đứng trước khó khăn do vật liệu xây dựng khan hàng, sốt giá. Để đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo chất lượng các công trình, dự án, các chủ đầu tư, nhà thầu tại địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, nỗ lực trong việc triển khai, thi công đúng theo qui định.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều công trình, dự án có mức đầu tư lớn, đạt chất lượng cao phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương như: dự án đường tỉnh 864 (giai đoạn 1), cầu Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), cầu Vàm Cái Thia (huyện Cái Bè), cầu Tân Phong (huyện Cai Lậy-Cái Bè)... Tỉ lệ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm liền vượt chỉ tiêu trung ương giao và thuộc nhóm cao của cả nước.
Đạt kết quả khích lệ này là do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của UBND tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của các sở ngành chức năng tỉnh; đặc biệt là sự nỗ lực cao của chủ đầu tư các dự án và các nhà thầu. Đó là công tác triển khai các công trình, dự án khẩn trương đúng quy định của Luật đấu thầu, Luật xây dựng và Thông tư 08 của Bộ kế hoạch đầu tư (nay là Bộ Tài chính) về quy trình lựa chọn nhà thầu.

Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án tại tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành đưa vào hoạt động

Cầu Tân Phong bắc ngang nhánh sông Tiền vừa đưa vào hoạt động, đảm bảo chất lượng cao
Thật vậy, công tác lựa chọn nhà thầu là khâu quan trọng nhất đối với các công trình dự án xây dựng. Chủ trương của các chủ đầu tư các dự án trong tỉnh Tiền Giang là ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xây dựng có năng lực, uy tín, kinh nghiệm trong thi công trước khi xem xét mức giá dự thầu. Bởi trong bối cảnh hiện nay, giá vật liệu như cát, đá... khan hiếm và giá rất cao việc “giảm giá” dự thầu tại các công trình, dự án mà xem nhẹ khâu năng lực thì nguy cơ dẫn đến rủi ro cao về chất lượng và tiến độ công trình khi nhà thầu bị thua lỗ.
Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương ở tỉnh Tiền Giang làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến tháng 5 này, Tân Phước đã giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 50% kế hoạch năm nay. Đạt kết quả này, có phần do chủ đầu tư có kinh nghiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công. Về công tác này, ông Nguyễn Trung Liêm, Giám đốc Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Tân Phước cho biết thêm: “ Tổ chức đấu thầu thì năng lực và kinh nghiệm là quan trọng, cái giá không thành vấn đề vì giá bây giờ bị trượt nhiều lắm. Khi mình đấu thầu các công trình thì trọn gói, không theo giá trị, khối lượng. Tại thời điểm đấu thầu có thể mình làm giá lại, nhưng nhà thầu bỏ giá thấp mà hồ sơ năng lực, biện pháp thi công, không đạt thì không cũng rớt như thường. Chất lượng công trình thì mình phải đeo giám sát tiến độ, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động... đâu phải giá thấp mà trúng đâu”.

Các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình
Thực tế cho thấy, gần đây tại một vài gói thầu mà nhà thầu có khiếu nại về giá dự thầu thấp có lợi cho ngân sách nhưng vẫn “rớt” thầu, nhưng các Sở, Ngành tỉnh Tiền Giang khi giải quyết đều chú trọng vấn đề năng lực, biện pháp thi công hơn là về mức giá dự thầu, nhằm đảm bảo công trình, dự án đạt chất lượng tốt nhất.
Tỉnh Tiền Giang có lực lượng nhà thầu ngành xây dựng khá hùng hậu ở vùng ĐBSCL. Qua nhiều năm hoạt động, các doanh nghiệp xây dựng đã nâng cao năng lực, kinh nghiệm có thể đảm nhận công trình, dự án cầu, đường, công trình dân dụng đến hàng trăm tỉ đồng. Các doanh nghiệp đều có kinh nghiệm từ việc làm hồ sơ dự thầu đến tổ chức thi công đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng cao.
Ông Võ Văn Khánh, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng Khánh Khanh, tại thành phố Mỹ Tho, chia sẻ: “Xét thầu thì bên mời thầu sẽ xem năng lực và biện pháp thi công trước còn cái giá thì đứng đến hạng mục thứ 4, thứ 5, giá thì không thành vấn đề. Mình phải làm đúng theo hồ sơ mời thầu, hồ sơ phải làm kỹ càng, bên mời thầu cần gì thì mình đáp ứng cái đó. Bây giờ uy tín nhà thầu là quan trọng lắm mình phải cố gắng làm, vì nếu công trình kém chất lượng sẽ mất uy tín làm sao trụ được. Các nhà thầu phải cố gắng dù thua lỗ cũng phải làm để giữ uy tín làm ăn sau này”.

Các nhà thầu tại Dự án đường và kè dọc hai bờ sông Bảo Định đang nỗ lực thi công trong điều kiện khó khăn về mặt bằng, vật liệu
Còn ông Phan Kinh Kha, Giám đốc công ty TNHH xây dựng Phan Kha tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thì cho biết, chỉ tham gia các gói thầu xét thấy có lãi nhưng phải đảm bảo chất lượng thi công.
"Nói chung, nhà thầu trước tiên muốn đấu thầu phải có đủ năng lực, sau đó quyết định tới giá. Giá thấp mà không có năng lực thi công, tài chính thì cũng thua. Mấy công trình trước đây mình làm đều đúng theo thiết kế và đạt chất lượng thôi, nếu công trình nào mà nhận thấy không có lãi thì không tham gia" - ông Kha nói.
Đối với các chủ đầu tư và chính quyền các địa phương ở tỉnh Tiền Giang luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, thu hồi đất và cả hiến đất cho các công trình, dự án; tháo gỡ các khó khăn đối với các nhà thầu khi triển khai thi công. Nhờ vậy mà hầu hết các công trình, dự án của tỉnh Tiền Giang thời gian qua đều thực hiện đạt kế hoạch, chất lượng cao; không có công trình nào gặp sự cố khi thi công hoặc sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

Công tác lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công sẽ giúp các công trình, dự án đạt tiến độ và chất lượng cao

Nguồn vật liệu đá đang khan hiếm và giá cao đang là áp lực đối với các nhà thầu
Thực hiện Công điện số 15 của Bộ xây dựng về “tăng cường công tác bảo đảm, an toàn giao thông, an toàn lao động, và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”, mới đây Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản 1263 với nội dung trên gửi đến UBND các huyện, thành, thị và các Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo chất lượng công trình theo Nghị định 06 của Chính phủ; trong đó chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi công, chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông tại các công trình xây dựng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khó khăn gặp phải tại nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là giá vật liệu cát, đá chênh lệch quá cao so với giá quy định của Sở Xây dựng; đáng lưu ý là nguồn vật liệu đá 04 đang rất khan hiếm và giá cao hơn mức giá quy định gần 100 nghìn đồng/khối. Đây là vấn đề mà các Sở, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần sớm quan tâm, tháo gỡ để giúp các nhà thầu giảm bớt khó khăn, đảm bảo hoàn thành công trình, dự án đúng tiến độ và chất lượng cao.