Ngành xi măng đối diện khó khăn kép
Ngành xi măng Việt Nam đang gánh khó khăn kép khi phải chịu sức ép lớn từ những quy định còn nhiều bất cập, chính sách tiền tệ và tín dụng ngắn hạn cùng như bất ổn từ thị trường trong và ngoài nước…
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng tăng 4,7% trong 2 quý đầu của năm 2023 nhưng giá trị sản xuất một số vật liệu xây dựng chủ yếu vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ngành hàng vật liệu xây dựng gặp khó như: gạch ốp lát sản xuất đạt khoảng 191 triệu m2, giảm 10% và tiêu thụ chỉ khoảng 145 triệu m2, giảm tới 17%.
Điển hình là sản xuất xi măng đạt 46 triệu tấn, giảm 5% và tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, giảm 7%. Tiêu thụ giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao đã khiến doanh nghiệp ngành xi măng đối diện với tình thế khó khăn nhất so với nhiều năm qua.
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế nói chung đang gánh chịu những hệ lụy của một thời gian dài phát triển thiếu đồng bộ, nhiều bất cập trong cơ chế chính sách. Ngành xi măng Việt Nam đang gánh khó khăn kép khi phải chịu sức ép lớn từ những quy định còn nhiều bất cập, chính sách tiền tệ và tín dụng ngắn hạn cùng như bất ổn từ thị trường trong và ngoài nước…
Ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, năm 2022, sản xuất, tiêu thụ xi măng giảm so với năm 2021. Từ đầu năm đến nay, sản xuất, tiêu thụ xi măng chưa có nhiều khởi sắc. Trong khi đó, ngành xi măng lại đang phải đối mặt với khó khăn như: giá nhiên liệu (than, điện…), vận tải tăng nhưng nhu cầu thị trường giảm mạnh. Đầu ra bị tắc nghẽn khiến tồn đọng sản phẩm, vốn tăng… khiến khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp.
Chi phí than chiếm 45 - 55% giá thành sản xuất 1 tấn clinker (tương ứng giá than 3,3 - 5 triệu đồng/tấn); chi phí điện chiếm 17 - 20% giá thành một tấn xi măng. Trong khi đó, giá năng lượng tăng kéo theo giá vận tải cũng tăng theo.
Bối cảnh nhu cầu thị trường giảm nhưng thuế xuất khẩu clinker cũng lại tăng từ 5% lên 10% bắt đầu từ 1/1/2023. Bên cạnh đó, thủ tục triển khai một số hoạt động liên qua lại cũng rất phức tạp, khó khăn như: cấp mỏ nguyên liệu, sử dụng chất thải, rác thải làm nguyên - nhiên liệu thay thế; phát điện từ nhiệt thải lò nung… - ông Long dẫn chứng.
Trước tình hình tiêu thụ nội địa chậm, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chọn xuất khẩu là giải pháp tình thế để giải quyết nguồn xi măng dư thừa. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng không khả quan.
Theo Bộ Xây dựng, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.
Là thị trường xuất khẩu xi măng lớn của Việt Nam (ước tính khoảng 65% lượng xi măng, clinker xuất khẩu) nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc khá ảm đạm, do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn.
Cùng đó, thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines, nhưng vừa qua nước này đã chính thức công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sản phẩm xi măng từ Việt Nam, khiến xuất khẩu xi măng sang thị trường này không mấy dễ dàng.
Ngoài việc tìm cách xuất khẩu sang những thị truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Banglades, các doanh nghiệp xi măng đang tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới. Hiện nhiều doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu xi măng, clinker sang khu vực châu Mỹ nhưng khối lượng chưa nhiều.
Phương án xuất khẩu xi măng sang châu Âu cũng khó bởi dự kiến từ tháng 10/2023, có 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Từ năm 2026, EU sẽ đánh thuế carbon lên sắt thép, xi măng, phân bón.
Do đó, các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong xi măng, clinker, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Điều này buộc nhà sản xuất xi măng phải giảm lượng phát thải đạt chuẩn, theo yêu cầu của EU. Đây cũng là “điểm yếu” của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam nếu không chuyển đổi sản xuất xanh.
Đặc biệt, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên không tái tạo. Việc thuế xuất khẩu tăng nhưng giá clinker xuất khẩu không tăng khiến khó khăn của doanh nghiệp càng thêm chồng chất.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Kinh tế suy thoái dẫn đến tiêu thụ nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh. Theo dõi ngành 20 năm qua, tôi nhận thấy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển khá mạnh, sản lượng đang vượt so với nhu cầu sử dụng trong nước từ 10 - 30%. Do đó, trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó thì doanh nghiệp cần cân đối giảm sản lượng sản xuất để tương ứng với nhu cầu, giảm tồn đọng”.
Dưới góc độ Hiệp hội, ông Lương Đức Long đề xuất cần đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông vốn cho bất động sản. Theo đó, cần tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra của ngành vật liệu bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở (đặc biệt là nhà ở xã hội), khu đô thị, đường giao thông…, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.
Đồng thời, ông Long cũng kiến nghị hỗ trợ xuất khẩu để điều tiết cung – cầu khi dư thừa bằng giải pháp như: giảm/tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (áp dụng mức 5%); tạo điều kiện cho các nhà sản xuất sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện để đạt mục tiêu kép: vừa tránh giá năng lượng cao, vừa giải quyết rác thải, chất thải…
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp xi măng cần tối ưu hóa sản xuất qua việc cải tiến công nghệ để tăng năng suất và giảm chi phí. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Đặc biệt là vấn đề tận dụng nhiệt dư để phát điện và sử dụng đốt rác thải thay thế một phần nhiên liệu.
Cùng đó, các doanh nghiệp xi măng nên tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn và tăng doanh số bán hàng. Các sản phẩm đa dạng cũng giúp doanh nghiệp xi măng đi vào nhiều phân khúc thị trường, tối đa hóa các ứng dụng sử dụng sản phẩm xi măng trong đời sống xã hội…/.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-xi-mang-doi-dien-kho-khan-kep/298766.html