Ngành xuất bản đóng góp hơn 29.000 tỷ đồng vào GDP 2024
Sự phát triển của ngành xuất bản năm 2024 cho thấy những tiềm năng kinh tế trong việc góp phần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo.
Trong năm vừa qua, ngành xuất bản có nhiều bước phát triển, nhất là mảng sách điện tử. Theo số liệu công bố tại hội nghị Giao ban Cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024 chiều ngày 16/1, số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 4.050 đầu (tăng 120,7% so với cùng kỳ năm 2023), số lượt nghe sách nói, sách điện tử tăng 200% so với năm 2023.
“Công tác chuyển đổi số được triển khai bài bản và đồng bộ, tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức và tư duy của các nhà xuất bản, góp phần mở rộng không gian xuất bản”, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội nghị.
Không gian cho xuất bản đang mở rộng
Ngành xuất bản Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục ghi nhận những bước tiến đáng kể bất chấp thách thức không nhỏ. Ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương - đọc báo cáo Công tác Chủ quản nhà xuất bản năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Báo cáo có nêu "chất lượng các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả".
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt là nỗ lực trong chuyển đổi số và xuất bản điện tử, góp phần đáp ứng hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, thông tin đối ngoại cũng như nhu cầu đời sống tinh thần, tri thức của nhân dân.
Báo cáo từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong năm 2024, số đầu xuất bản phẩm in đạt 41.000, giảm 2,97% so với năm 2023, trong khi xuất bản phẩm điện tử tăng vọt 120,7%, đạt 4.050 đầu sách, nâng tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 8,9%.
Đặc biệt, lĩnh vực sách nói ghi nhận quy mô doanh thu 102 tỷ đồng, số lượt nghe tăng 200% so với năm trước, minh chứng cho sự bùng nổ của hình thức tiếp cận nội dung hiện đại này. Tổng doanh số khoảng 99.160 tỷ đồng và đóng góp vào GDP khoảng 29.059 tỷ đồng.
Với những thành tựu trên, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định ngành xuất bản là ngành kinh tế tri thức trong cách mạng công nghiệp 4.0. “Sự sáng tạo trong môi trường số là chìa khóa để ngành xuất bản vượt qua thách thức và tạo dựng cơ hội mới. Các nhà xuất bản cần đổi mới công nghệ và quản trị để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao”, ông Phan Tâm nói.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên, nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong việc hiện đại hóa ngành xuất bản. “Hiện có 54% nhà xuất bản có xuất bản phẩm điện tử, với 5 nền tảng xuất bản dùng chung, trong đó 1 nền tảng do nhà nước đầu tư, 4 nền tảng xã hội hóa”, ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.
Điều này cho thấy ngành sách không bị thu hẹp trong bối cảnh công nghệ số mà còn mở rộng mạnh mẽ, đáp ứng mọi lĩnh vực, từ giáo dục, giải trí, cho đến chuyên ngành.
Khẳng định vị trí của xuất bản trong ngành công nghiệp sáng tạo
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của xuất bản trong việc xây dựng một ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch - cho biết ngành xuất bản đã đưa các tác phẩm mới đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những đối tượng trẻ tuổi và độc giả tiềm năng, thông qua nhiều kênh truyền thông hiện đại. Sự thay đổi này giúp nâng cao hiệu quả quảng bá và thúc đẩy doanh thu. Nhờ đó, xuất bản góp phần xây dựng diện mạo của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
“Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan quản lý và sự đồng hành của các đơn vị xuất bản, ngành dự kiến sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 đang được triển khai. Bước đi này hứa hẹn tạo ra một môi trường thuận lợi để xuất bản phát triển bền vững, đồng thời đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nền kinh tế tri thức của Việt Nam”, bà Trịnh Thị Thủy phát biểu.
Từ góc độ của Hội Xuất bản, Chủ tịch Hội - PGS.TS Phạm Minh Tuấn - nhận định để xuất bản thực sự phát huy vai trò trong ngành công nghiệp sáng tạo, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách nhà nước và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Việc xây dựng các trung tâm tri thức tại địa phương, tăng cường tài trợ cho các dự án xuất bản chất lượng cao và cải thiện hạ tầng phân phối là những yếu tố then chốt.
Thêm vào đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp xuất bản nhỏ phát triển thông qua hỗ trợ tài chính và giảm bớt các rào cản pháp lý sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo.