Ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số

Hội Xuất bản Việt Nam cần đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Đại hội - Ảnh: zingnews

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Đại hội - Ảnh: zingnews

Ngày 12/7, Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V đã diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo các mạng, Đảng ta luôn xác định xuất bản là bộ phận quan trọng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vai trò to lớn trong việc tích lũy, truyền bá tri thức và các giá trị tinh thần, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.

Nội dung sách ngày càng phong phú, toàn diện, đa dạng về chủ đề; chất lượng chính trị, văn hóa trong các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao; đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản khó khăn, gian khó, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của của mình; tích cực, chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia xây dựng đảng, phòng chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...; mảng sách có nhiều ấn phẩm thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học, khoa học công nghệ, tôn giáo, sách cho thiếu nhi, sinh viên thuộc nhiều xu hướng, góc nhìn khác nhau đã được xuất bản, cung cấp đến bạn đọc cả nước. Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh ghi nhận những thành tích đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế của hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Cụ thể như: Tổ chức Hội chưa thực sự lớn mạnh, cơ cấu, số lượng hội viên là các cá nhân, tổ chức tham gia chưa đông, chưa phát huy được tổng hợp sức mạnh của hội viên; một số hoạt động chưa mang tầm quốc gia trong triển khai thực hiện; đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù đối với xuất bản chưa mạnh mẽ; chưa tổ chức được nhiều diễn đàn, hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp; việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho hội viên chưa thường xuyên, liên tục...

Do vậy, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, trước mắt là đóng góp tích cực vào Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản vào năm 2024; tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng về hoạt động xuất bản và sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản 2012; bảo đảm phát triển tốt đi đôi với chỉ đạo, quản lý tốt.

Hội cũng cần đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành mới khóa V Hội Xuất bản Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành mới khóa V Hội Xuất bản Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu Hội cần chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế-công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa; không chỉ ở trong nước mà cho kiều bào và bạn bè quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà.

*Đại hội bầu ra 37 ủy viên ban chấp hành. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản trúng cử chức danh Chủ tịch Hội Xuất bản Khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028.

BT

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nganh-xuat-ban-phai-trien-khai-hieu-qua-viec-chuyen-doi-so-102230712185728908.htm