Ngành y tế Bình Dương nỗ lực chuyển đổi số
Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế. CNTT không chỉ là 'bà đỡ' cho quá trình cải cách hành chính mà còn 'đỡ đầu' cho việc triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh như chụp cắt lớp, mổ nội soi, phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, giám sát dịch bệnh, nghiên cứu phát triển thuốc…
Ứng dụng CNTT chưa hoàn chỉnh, đồng bộ
Thời gian qua, CNTT đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế. Tuy nhiên, việc đầu tư CNTT cho ngành y tế vẫn manh mún, dàn trải và chưa có kiến thức tổng thể về ứng dụng CNTT của toàn ngành. Quy chuẩn thông tin y tế chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều đơn vị không thành công khi triển khai ứng dụng CNTT ở cơ sở.
Tại Bình Dương, những năm qua, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng máy tính, đường truyền, thiết bị mạng được trang bị ở mức cơ bản. Các đơn vị đã từng bước chú ý tăng cường các giải pháp bảo mật, an ninh mạng để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại từng đơn vị. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, ngành y tế tỉnh đã tiếp nhận, triển khai nhiều phần mềm hỗ trợ, phục vụ công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Trung tâm Điều hành cấp cứu thông minh 115. Do mỗi phần mềm có tính năng ưu việt riêng trong từng lĩnh vực nên chưa có sự liên kết, đồng bộ dữ liệu giữa các phần mềm. Trước đây tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian chờ khám khi chưa ứng dụng CNTT trung bình là 30 phút, đến nay đã giảm hơn nửa; thời gian chờ mua thuốc, làm thủ tục xuất viện cũng giảm xuống đáng kể.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, 100% các cơ sở đã đầu tư và triển khai Hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS). 100% cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội để giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hầu hết các bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh đều đạt mức 3 về tiêu chí ứng dụng CNTT. Một số cơ sở đạt các tiêu chí này ở mức 4, mức 5 và làm tiền đề tiến tới thực hiện bệnh án điện tử. Trong khi đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính, máy in, máy quét mã vạch, 100% trạm y tế có kết nối mạng internet và triển khai phần mềm HIS phục vụ hoạt động khám chữa bệnh.
Nhìn nhận việc ứng dụng CNTT, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Những năm qua, ứng dụng CNTT trong nội bộ ngành y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước chuyển dịch từ ứng dụng đơn lẻ sang kết nối, theo hướng tập trung hơn. Một số ứng dụng CNTT trong nội bộ ngành còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, bộc lộ nhiều hạn chế. Việc chia sẻ tích hợp dữ liệu dùng chung chưa được thực hiện và còn phụ thuộc vào Trung ương”.
Hướng đến y tế thông minh
Định hướng chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động để hình thành y tế thông minh với 3 nội dung: Phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Phân tích sâu về y tế thông minh, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm: “Với hệ thống khám, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm thời gian, chi phí. Hệ thống khám, chữa bệnh thông minh góp phần giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hạn chế các lỗi, xây dựng hình ảnh của bệnh viện văn minh, hiện đại, hết lòng vì nhân dân. Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn. Hình thành hệ thống y tế thông minh còn góp phần hướng đến nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập”.
Trên cơ sở xu hướng phát triển y tế thông minh, Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4; trong đó, các dịch vụ phổ biến liên quan đến người dân, doanh nghiệp được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; 100% các đơn vị y tế ứng dụng CNTT trong điều hành, tạo ra dữ liệu số hoạt động; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth); 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến; 100% cán bộ nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam; 90% người dân Bình Dương có hồ sơ sức khỏe điện tử…
“Trong thời đại công nghệ số hiện nay, mọi thông tin đều được đăng tải trên các website y học, video, forum, sách điện tử hay thông qua các bài giảng từ xa… được cập nhật một cách nhanh chóng và liên tục. Đây là một trong những nguồn tài nguyên lớn mà cán bộ nhân viên ngành y có thể nhanh chóng tiếp cận tri thức mới của nhân loại ở bất kỳ đâu, bất kỳ không gian và thời gian nào. Trong y học hiện đại, các loại máy móc thiết bị xét nghiệm đều được tự động hóa hoàn toàn, giúp nâng cao độ chính xác và giảm bớt thao tác khi làm xét nghiệm. Song song đó, các máy móc chẩn đoán hình ảnh cũng được trang bị ứng dụng kỹ thuật dựng hình nhằm thể hiện hình ảnh bệnh lý 3 chiều, phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị ngoại khoa. Kỹ thuật nội soi cũng là một bước tiến quan trọng giúp can thiệp điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời tiết giảm chi phí cho người bệnh”.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-y-te-binh-duong-no-luc-chuyen-doi-so-a274808.html