Ngành Y tế có bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu hướng thiết yếu của sự phát triển. Trong ngành y tế, đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Hệ thống đăng ký khám bệnh nhận diện khuôn mặt Face ID tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Hệ thống đăng ký khám bệnh nhận diện khuôn mặt Face ID tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Nhiều cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử

Trước sự phát triển của xã hội, nền y học hiện đại cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Trong đó, chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo đã và đang phát huy những lợi thế của mình trong việc hỗ trợ quản lý bệnh viện, triển khai công việc của nhân viên y tế cũng như quá trình thăm khám, điều trị của người bệnh.

Chuyển đổi số là xu hướng thiết yếu của sự phát triển. Trong ngành y tế, đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm để giúp các cơ sở y tế trong nước tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động phục vụ.

Thực tế, ngành Y tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số.

Theo lộ trình triển khai số hóa ngành y tế của Bộ Y tế, mục tiêu đến năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải được ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cho toàn bộ người dân, hướng tới việc loại bỏ bệnh án giấy.

Đến nay, cả nước đã có 106 cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử. Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức áp dụng bệnh án điện tử, trở thành bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trên cả nước áp dụng hệ thống này từ 1/11/2024.

PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện có 57 đơn vị với quy mô 3.600 giường bệnh và hơn 4.000 cán bộ và nhân viên y tế đang phục vụ công tác. Hằng ngày, Bệnh viện tiếp nhận 7.000 - 10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ/Ngành, nhận thức được vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong y tế, Bệnh viện đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyên môn cũng như thủ tục hành chính.

Đảng ủy, Ban Giám đốc đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định chỉ đạo, phê duyệt các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng 2030.

Sau nhiều tháng triển khai thí điểm, bệnh viện nhận thấy việc thực hiện hồ sơ Bệnh án điện tử thay thế hồ sơ Bệnh án giấy là khả thi, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cán bộ y tế.

"Ngày 20/9/2024, Bệnh viện Bạch Mai được Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ chọn đưa vào chương trình trọng điểm chuyển đổi số, tạo nền tảng triển khai trên toàn quốc” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Theo PGS. TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm quyết định triển khai chuyển đổi số, bệnh án điện tử, Bệnh viện Bạch Mai còn rất hạn chế về cơ sở hạ tầng trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Máy móc, đường truyền, máy chủ đều cũ, chậm, băng thông thấp. Bệnh viện đang sử dụng rất nhiều phần mềm không liên thông kết nối và chưa có phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành.

Nhân lực mỏng và kỹ năng chuyên môn chưa cao. Quá trình triển khai xây dựng hệ thống và triển khai thử nghiệm cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

“Với quyết tâm cao trên tinh thần không ngừng học hỏi, vừa làm, vừa đào tạo triển khai nâng cấp và sự hỗ trợ nhiệt thành của các Bộ, tổ chức, đơn vị, bạn bè đồng nghiệp, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng, thành công xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số và áp dụng bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh", PGS. TS. Vũ Văn Giáp chia sẻ.

Cũng theo ông, việc áp dụng bệnh án điện tử được thực hiện sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra. Bệnh viện Bạch Mai sẽ nỗ lực để hoàn thiện toàn diện, tạo nền tảng dữ liệu, lan tỏa, chuyển giao và hỗ trợ các cơ sở y tế thực hiện.

Qua đó, chung tay giảm áp lực vất vả cho đồng nghiệp, đội ngũ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế người dân.

Xu hướng phát triển tất yếu

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế cho biết: “Việc triển khai bệnh án điện tử là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế, rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Việc triển khai bệnh án điện tử được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế".

Cụ thể, khi triển khai thành công bệnh án điện tử, người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh. Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.

Đồng thời, giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ.

Bệnh án điện tử cũng cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến, việc chẩn đoán và phối hợp điều trị cũng sẽ tốt hơn.

Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet; tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cũng giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch cũng giúp việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, chuyển đổi số nói chung và sử dụng bệnh án điện tử nói riêng là vấn đề cấp thiết của ngành Y tế, mặc dù quá trình triển khai còn rất nhiều khó khăn và thách thức.

Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá của ngành y tế, tiết kiệm chi phí lớn, nâng cao năng suất hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải áp lực nghề cho y bác sĩ, tạo sự công khai minh bạch trong hoạt động y tế.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-y-te-co-buoc-chuyen-minh-manh-me-trong-chuyen-doi-so-post712169.html