Ngành Y tế 'khát'… bác sĩ - Kỳ cuối: Nỗ lực gỡ khó

Trong nỗ lực duy trì và tăng số lượng, chất lượng bác sĩ, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, nhiều cơ sở y tế đã tích cực, chủ động kết hợp những cơ chế chung và riêng trong tuyển dụng, đào tạo. Đồng thời, có thêm các giải pháp “giữ chân”, thu hút bác sĩ.

Chủ động tháo gỡ

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, nhiều năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nỗ lực tìm cách gỡ khó, một trong các giải pháp đó là tích cực đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Trong đó, chú trọng tổ chức các hoạt động sinh hoạt khoa học, kết hợp nhiều hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn, giúp các bác sĩ trao đổi chuyên môn, tự học hỏi trau dồi kiến thức, mở rộng cơ hội đào tạo, tiếp cận kỹ thuật mới và chuyên sâu. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ mới ra trường được đi học nâng cao trình độ. Các đơn vị đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho viên chức; trình Sở Y tế cử bác sĩ đi học sau đại học và được chi trả chế độ từ ngân sách tỉnh; tuyển chọn những cán bộ giỏi, trẻ tuổi có phẩm chất và năng lực để đào tạo, bồi dưỡng cho hệ thống chuyên sâu đáp ứng yêu cầu của đơn vị… Nhờ chính sách trên và sự hỗ trợ từ các dự án, từ năm 2019 đến 2023, Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh đã cử 5 bác sĩ đi đào tạo các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, siêu âm tổng quát, chăm sóc sức khỏe ban đầu, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng; cử 4 bác sĩ đi cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh hen phế quản ở người lớn, trẻ em; đưa 6 người đi đào tạo bác sĩ đa khoa; cử 1 thạc sĩ, bác sĩ đi học chuyên khoa cấp II về tổ chức quản lý y tế… “Những bác sĩ sau khi được đào tạo về lại đơn vị công tác được trung tâm bố trí làm việc đúng theo chuyên môn; thực hiện đầy đủ các chế độ theo đúng quy định của pháp luật”, bác sĩ Lê Thị Kim Liên - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết.

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kết hợp với chuyên gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện ca phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh.

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kết hợp với chuyên gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện ca phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh.

Cùng với đó, một số bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh ở tỉnh còn tìm các giải pháp để "giữ chân" bác sĩ. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, những năm qua, bệnh viện có những cơ chế đãi ngộ bác sĩ, nhân viên y tế phù hợp với điều kiện của bệnh viện như: Hỗ trợ kinh phí cố định hàng tháng cho bác sĩ mới ra trường; chi thu nhập tăng thêm; khen thưởng nhân viên đạt thành tích. Bên cạnh đó, hàng năm, bệnh viện còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, tổ chức đi du lịch, văn nghệ, hội thi tay nghề, kiểm tra tay nghề… nhằm tạo sân chơi giúp người lao động kết nối dài lâu. Bệnh viện cũng tạo điều kiện hỗ trợ chỗ ở cho các bác sĩ từ địa phương khác về làm việc; tích cực hướng dẫn quy trình, thủ tục đối với các bác sĩ đủ điều kiện đăng ký mở phòng mạch tư để làm ngoài giờ...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tạm duy trì được số lượng bác sĩ bằng cách hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho bác sĩ một số khoa: Nội, Hồi sức tích cực - chống độc, Cấp cứu...; hỗ trợ kinh phí mỗi tháng cho bác sĩ cam kết làm việc lâu dài tại bệnh viện. Bệnh viện cũng tăng cường mời các chuyên gia đầu ngành về chuyển giao kỹ thuật tại bệnh viện để các bác sĩ học hỏi nâng cao tay nghề; tăng cường cử các bác sĩ đi nghiên cứu, học tập, hội thảo khoa học chuyên ngành, chuyên môn sâu ở nước ngoài. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ… để các viên chức gắn bó, yên tâm công tác. Bệnh viện còn thường xuyên đăng tải, cập nhật thông tin về công tác chuyên môn, các hoạt động, các kỹ thuật mới của bệnh viện trên website của đơn vị; giới thiệu với sinh viên thực tập tại bệnh viện về các chế độ, chính sách ưu đãi của bệnh viện nhằm thu hút nguồn nhân lực... Nhờ đó, bệnh viện đã thu hút nhiều bác sĩ từ tỉnh khác tới làm việc, lập gia đình tại địa phương và gắn bó lâu dài với bệnh viện.

Theo báo cáo giám sát thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 23-9-2022 của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã cử đi đào tạo 29 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 87 bác sĩ chuyên khoa cấp I; 18 thạc sĩ; 15 dược sĩ chuyên khoa cấp I; 54 bác sĩ liên thông; 22 dược sĩ liên thông.

Cần có chính sách riêng để thu hút bác sĩ

Theo lãnh đạo các bệnh viện, để thu hút bác sĩ, về lâu dài, đơn vị vẫn mong được cấp trên quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng bệnh viện; hỗ trợ tài chính và nhà ở cho các bác sĩ không phải người địa phương để họ yên tâm công tác; tổ chức liên kết với các trường đại học y để đào tạo bác sĩ tại chỗ kèm cam kết làm việc tại bệnh viện. Đồng thời, tiếp tục đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại; xem xét cơ chế đặc thù để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, tạo động lực quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ. Từ đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Buổi giao ban tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.

Buổi giao ban tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, với dân số của tỉnh hơn 1,2 triệu người, số bác sĩ toàn tỉnh là 1.566 người, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân ở tỉnh đạt 12,4; trong đó có 9,4 bác sĩ công lập. Với tỷ lệ bác sĩ như trên, cơ bản đáp ứng đủ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 2.017 bác sĩ theo Quyết định số 318, ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Y tế đã tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương bổ sung đào tạo liên thông bác sĩ cho Trung tâm Y tế 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Đồng thời, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phát triển nguồn nhân lực riêng cho ngành Y tế, trong đó sẽ tham mưu những chính sách đủ mạnh để thu hút, "giữ chân" bác sĩ, nhất là bác sĩ có chuyên môn cao. Bên cạnh đó, để đủ nhân lực thực hiện mục tiêu xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện tuyến cuối khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực riêng cho bệnh viện nhằm phát triển các kỹ thuật chuyên sâu cho tất cả các khoa lâm sàng, trong đó chú trọng phát triển những trung tâm, khoa: Chấn thương chỉnh hình -Bỏng; Phụ sản; Ngoại lồng ngực; Ngoại thần kinh; Ngoại tổng quát; Cột sống; Hồi sức tích cực - Chống độc; Tim mạch can thiệp… với mục tiêu thực hiện trên 90% danh mục kỹ thuật hạng I và hạng đặc biệt”.

Cùng với các chính sách đã có, các bệnh viện, trung tâm y tế cũng cần chủ động hơn trong việc liên hệ với các trường đại học y dược để có kế hoạch tuyển dụng tân bác sĩ được đào tạo chính quy. Song song đó, phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương lên kế hoạch đào tạo dài hạn, ngắn hạn, tiếp nhận và phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Đồng thời, vận dụng các chính sách chung và riêng tại cơ sở để "giữ chân" các bác sĩ đã nghỉ hưu có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm ở lại làm việc, giúp phát triển những kỹ thuật và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho lớp bác sĩ kế cận… Có như thế, mới không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn bác sĩ; còn có thể đào tạo nguồn bác sĩ có chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trong tỉnh nói riêng và khu vực lân cận nói chung.

HOA LY

Kỳ 1: Thiếu bác sĩ cục bộ

Kỳ 2: Chế độ chưa đủ sức "giữ chân"

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202409/nganh-yte-khat-bac-si-ky-cuoino-luc-go-kho-dd4697c/