Ngành y tế: Lắng nghe để đổi mới và nâng tầm

Không phải bây giờ ngành y tế mới lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân mà việc này đã được duy trì từ nhiều năm trước. Các diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân đã góp phần xây dựng ngành y tế tỉnh ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Người dân bày tỏ ý kiến tại diễn đàn “Ngành y tế lắng nghe tiếng nói nhân dân” tổ chức tại TP.Thuận An

Người dân bày tỏ ý kiến tại diễn đàn “Ngành y tế lắng nghe tiếng nói nhân dân” tổ chức tại TP.Thuận An

Tiếng nói từ cơ sở

Diễn đàn “Ngành y tế lắng nghe tiếng nói nhân dân” được Trung tâm Y tế TP.Thuận An và Ban Dân vận Thành ủy tổ chức mới đây thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua diễn đàn, nhiều vấn đề bức thiết mà người dân quan tâm đã được giải quyết kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với ngành y tế.

Ông Trần Văn Hảo ở phường Hưng Định cho biết: “Ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng không có thuốc chữa bệnh phục vụ người dân, đặc biệt là thuốc đông y khiến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, ảnh hưởng đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Thiếu thuốc và vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm không phải là lỗi của người dân nên ngành y tế cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh ở phường Bình Hòa, chia sẻ: “Cùng một chẩn đoán bệnh, người bệnh uống thuốc theo đơn của bác sĩ 3 lần (21 ngày) ở Bệnh viện Đa khoa TP.Thuận An không hết bệnh nhưng khi xuống TP.Hồ Chí Minh lấy thuốc bảo hiểm uống trong 1 tuần đã hết bệnh dứt điểm. Phải chăng thuốc trong danh mục KCB bảo hiểm y tế trên địa bàn không bảo đảm chất lượng?”.

Ông Nguyễn Văn Thao ở phường Bình Hòa nêu quan điểm: “Ngành y tế nên dành thời gian khảo sát nhân dân ở một số khu phố giáp TP.Hồ Chí Minh bởi họ thường xuyên xuống TP.Thủ Đức lấy thuốc khi bị ốm đau, bệnh tật. Số lượng bệnh nhân xuống TP.Hồ Chí Minh nhiều khiến các bệnh viện công trên địa bàn rất ít bệnh nhân, ảnh hưởng thu nhập nhân viên y tế, kéo theo chất lượng KCB cho người dân không bảo đảm. Ngành y tế nên nghiên cứu nâng cao chất lượng KCB phục vụ người dân tốt hơn nữa”.

Lắng nghe và cầu thị

Thời gian qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã và đang được thực hiện sâu rộng trong đời sống xã hội. Trong đó, vấn đề “tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân” đã được ngành y tế tổ chức nhiều lần. Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, chia sẻ trong diễn đàn “Ngành y tế lắng nghe ý kiến nhân dân” tại TP.Thuận An vừa qua, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, ngành y tế đã nắm bắt, thấu hiểu, đồng cảm và đang cố gắng từng bước nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

“Thời gian tới, với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện TP.Thuận An và các bệnh viện công lập khác, ngành y tế tỉnh chỉ tuyển bác sĩ tốt nghiệp ở 5 trường đại học lớn, gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y Cần Thơ và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch để bảo đảm nguồn nhân lực đầu vào chất lượng cao, nâng tầm chất lượng bệnh viện”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ vẫn còn ở một số nơi. Trong quá trình đấu thầu thuốc, vật tư, ngành y tế địa phương và các tỉnh trong cả nước gặp tình trạng “vướng luật”, nhất là Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật này. Chính phủ cũng đang rà soát, tập trung sửa đổi những vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm vật tư. Bộ Y tế cũng đang khẩn trương sửa đổi và sẽ sớm ban hành các thông tư hướng dẫn đấu thầu, đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế. Ngành y tế nỗ lực vận dụng linh hoạt chính sách bảo đảm đủ thuốc cho người dân trong điều kiện có thể.

Thông tin đến người dân, bác sĩ Chín nhấn mạnh: “Hiện ngành y tế tỉnh đang nỗ lực xây dựng đề án phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và công tác đào tạo nguồn nhân lực y, bác sĩ chất lượng cao phục vụ các tuyến. Theo đó, ngành tổ chức sắp xếp mạng lưới y tế ở các tuyến, Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường trở thành bệnh viện tuyến cuối của vùng Đông Nam bộ. Bệnh viện Đa khoa TP.Thuận An sẽ trở thành bệnh viện đạt tiêu chuẩn hạng I với quy mô 500 giường bệnh, trên 33 khoa, phòng, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Trong năm 2022 và 2023, ngành y tế tỉnh đã đào tạo hơn 400 bác sĩ sau đại học. Ngoài ra, ngành còn liên kết với các trường đại học, bệnh viện có uy tín để đào tạo cán bộ y, bác sĩ vừa học vừa làm. Ngành cũng gửi 200 bác sĩ đi đào tạo thạc sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II ở các trường đại học lớn”.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-y-te-lang-nghe-de-doi-moi-va-nang-tam-a309195.html