Ngành Y tế tập trung chuyển đổi số

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số trong ngành Y tế đã giúp các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và thống kê báo cáo thuận lợi, tiết kiệm ngân sách, góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh…

Nhân viên Bệnh viện Ða khoa tỉnh hỗ trợ người đến khám bệnh thực hiện các thao tác bằng căn cước công dân gắn chip.

Nhân viên Bệnh viện Ða khoa tỉnh hỗ trợ người đến khám bệnh thực hiện các thao tác bằng căn cước công dân gắn chip.

Trong lĩnh vực quản lý, 100% cán bộ công chức Văn phòng Sở Y tế sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ công việc, được cấp tài khoản khai thác, sử dụng hòm thư chính thức của tỉnh với tên miền dienbien.gov.vn; 95,5% đơn vị trực thuộc thực hiện triển khai hệ thống quản lý hồ sơ công việc trong chỉ đạo điều hành đến các khoa phòng, trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực. Các đơn vị triển khai quản trị, vận hành khai thác sử dụng phần mềm chuyên ngành đặc thù của ngành Y tế phục vụ công tác chuyên môn: Cổng thông tin điện tử; hệ thống đường dây nóng, cổng giám định BHYT, cổng dữ liệu Bộ Y tế, cổng dữ liệu y tế tỉnh, phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; phần mềm khám chữa bệnh, kê đơn thuốc; Phần mềm báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin...

Tại bộ phận “một cửa” ngành Y tế cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của ngành. Triển khai 115/171 dịch vụ công trực tuyến một phần (cho phép nộp hồ sơ trực tuyến) và toàn trình tại bộ phận “một cửa” đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, 80% đơn vị trực thuộc Sở Y tế được trang bị hệ thống giao ban trực tuyến; 100% trung tâm chuyên khoa đã triển khai phần mềm ứng dụng chuyên khoa trong thực hiện chuyên môn; 100% cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh, huyện, xã có hệ thống đường truyền cáp quang, hạ tầng mạng LAN, phòng máy chủ đảm bảo hạ tầng phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thống nhất liên thông đồng bộ kết nối dữ liệu với Sở Y tế, Bộ Y tế, BHXH, trang bị hệ thống tra cứu thông tin y tế thông minh. 60% cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống Teleheath phục vụ công tác hội chẩn, đào tạo tập huấn trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa. 139/139 cơ sở khám, chữa bệnh tại các tuyến triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp. Ðến hết tháng 9/2023, tổng số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT trong toàn tỉnh là 526.255 lượt; trong đó, khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp 339.439 lượt (chiếm 64,5%)…

Không chỉ vậy, ngành Y tế còn phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan trên địa bàn để chấp nhận thanh toán thủ tục hành chính, viện phí và phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, tại bộ phận “một cửa”, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tối thiểu 3 trong 4 phương thức sau: Mã vuông QR, qua website, Mobile Money và quét thẻ tại máy POS; tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế. Các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối, nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân và các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí và các dịch vụ phục vụ bệnh viện, cơ sở y tế; tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của cơ quan đơn vị mình.

Một nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số mà ngành Y tế đang tập trung thực hiện là tiến hành rà soát “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng và cấp hộ chiếu vắc xin. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 198.950 trường hợp sai thông tin cần “làm sạch” và xác thực thông tin; trong đó, 37.584 trường hợp không có căn cước công dân; 19.252 trường hợp bị sai căn cước công dân; 142.113 trường hợp bị sai thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại hoặc địa chỉ thường trú...). Các cơ sở tiêm chủng đã lập danh sách 198.949 trường hợp sai thông tin cần được xác thực theo đơn vị xã, phường, thị trấn và chuyển sang lực lượng công an để phối hợp rà soát, cập nhật, bổ sung lên nền tảng tiêm chủng vắc xin Covid-19 Quốc gia. Tính đến hết tháng 9, ngành đã phối hợp thực hiện “làm sạch” 186.631 trường hợp (đạt 93,81%); hiện còn 12.318 trường hợp (chiếm 6,19%) chưa được “làm sạch”. Ngoài ra hiện nay các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đang triển khai cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân theo hướng dẫn Bộ Y tế, với 450.612/514.911 người (đạt 87,5%).

Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số và Ðề án 06, tập trung vào tăng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn phần tại các cơ sở y tế trong khám chữa bệnh và quản lý các hoạt động y tế - dân số. Ðồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho toàn dân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm mỗi người có một hồ sơ sức khỏe điện tử và Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/210208/nganh-y-te-tap-trung-chuyen-doi-so