Ngành Y tế 'thay da, đổi thịt' nhờ chuyển đổi số
Công nghệ thông tin được ứng dụng từ các hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Y tế đến giải quyết các bài toán trong chăm sóc sức khỏe của người dân.
Nỗ lực chuyển đổi số
Từ giữa năm 2020, Cổng dịch vụ công Bộ Y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giải quyết toàn bộ các thủ tục hành chính.
Cổng công khai y tế cũng đã được khai trương, là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm chẩn đoán, dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như giá niêm yết, giá đấu thầu; thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi; kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… Qua đó, người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp.
Các bệnh viện trên cả nước cũng chuyển mình, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Kết quả, đã có 44 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim; nhiều đơn vị ứng dụng đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, rô-bốt trong y tế, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện…
Ngoài ra, 99,5% số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; 1.000 bệnh viện triển khai khám, chữa bệnh từ xa Telehealth. Nhiều địa phương đang triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời…
Công nghệ thông tin cũng đã ứng dụng trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã triển khai các hệ thống thông tin lớn như: Mạng kết nối y tế Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.
Năm 2030, bệnh án điện tử hoàn toàn thay thế bệnh án giấy
Chương trình chuyển đổi số y tế được Bộ Y tế ban hành với định hướng tới năm 2030 công nghệ số được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế. Theo đó hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh; khám bệnh, chữa bệnh thông minh; quản trị y tế thông minh.
Giai đoạn 2023-2025, Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cũng đã đặt ra lộ trình chậm nhất đến ngày 31/12/2023 phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; các bệnh viện còn lại trên toàn quốc đến năm 2028 cũng phải hoàn thành. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới có 44 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng bệnh án điện tử, con số khá thấp so với mục tiêu và lộ trình đã đặt ra.
Theo PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Công nghệ thông tin y học ngành Y tế, khó khăn lớn nhất hiện nay của việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là cơ chế tài chính. Theo tính toán, kinh phí cho công nghệ thông tin sẽ chiếm khoảng 1,5% trong tổng giá thành dịch vụ y tế. Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành thì mới thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Cùng đó, quyết tâm của các lãnh đạo bệnh viện cũng vô cùng quan trọng. Hầu hết các giám đốc bệnh viện đều quá bận cho công tác chuyên môn, chưa quan tâm sâu sát đến các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.