Ngập nước ở TPHCM: Tự ta biến nó thành bài toán nan giải
Hơn 300 năm trước, Sài Gòn ra đời từ một làng chài với vài chục nóc nhà ở một cái lõm nhỏ gọi là 'Bến Nghé'. Như các cộng đồng khác trên thế giới, những quần cư đầu tiên bao giờ cũng chọn nơi có thế đất cao mà sống. Người Sài Gòn cũng vậy.
Tầm nhìn của người Pháp
Bắt đầu từ năm 1862, người Pháp quy hoạch Sài Gòn theo mô hình một thành phố châu Âu, ngay từ khi đó họ đã tính đến bài toán thoát nước tối ưu. Ngày 30-4-1862, trong bản đề án quy hoạch Sài Gòn đầu tiên của Đại tá công binh Coffyn đệ trình lên Đô đốc Bonard đã nói tới hai chuyện quan trọng, thứ nhất là xây một hồ điều tiết tại trung tâm khu phố Tây (nay là quận 1, 3) sử dụng van hai chiều để đối phó với triều cường và thứ hai là hạn chế tối đa phát triển về phía Nam thành phố, lấy đó là túi chứa nước mưa và nước triều.
Trong thời Pháp thuộc và giai đoạn đến năm 1975, Sài Gòn chủ yếu sử dụng hệ thống thoát nước tự nhiên (sông, kênh, rạch, ao, hồ) chừng 65%, còn thoát nước cưỡng bức (theo hệ thống cống) chiếm chừng 35%.
Địa hình của thành phố cao ở phía Tây - Bắc, Đông - Bắc và thấp dần về Đông - Nam thông ra biển Đông. Thành phố nằm ngay bên sông Sài Gòn chảy thẳng ra biển qua hai ngả Lòng Tàu và Soài Rạp, hơn thế nữa còn có hàng trăm kênh, rạch, ao hồ tự nhiên chằng chịt. Do địa hình, địa mạo như vậy cho nên lịch sử phát triển của thành phố này lấy “thoát nước” là chủ đạo chứ không phải “tích nước”.
Trước năm 1975, thành phố này không đào một cái hồ nào nhằm mục đích tích nước, bởi mưa lớn đến mấy, nước triều dâng cao rồi cũng đổ dồn xuống kênh rạch chằng chịt, nước chảy tràn trên bề mặt, một phần tự thấm xuống lòng đất, một phần tràn xuống vùng trũng, rồi tất cả dồn về phía Nam, nơi được coi là túi chứa nước rồi cuối cùng chảy ra biển Đông.
Và cách làm quy hoạch, xây dựng của chúng ta
Trước năm 1980, việc ngập nước dường như không mấy ai nghĩ tới. Do quy hoạch và xây dựng trong hơn 30 năm qua, thành phố rơi vào bi kịch càng chống càng ngập. Câu hỏi là tại sao?
Bắt đầu từ năm 1990, khi tiến trình tái đô thị hóa khởi động trở lại thì TPHCM trở thành một đại công trường xây dựng. Trong cơn “say nắng”, các nhà đầu tư từ công tới tư, từ chính quyền đến người dân đua nhau đổ đất lấp kênh rạch, ao hồ. Những hồ lớn như Kỳ Hòa, Đầm Sen bị lấp để làm nhà, làm chỗ giải trí nên phần còn lại chỉ nhỏ như cái nút áo.
TPHCM có hơn 500 kênh, rạch với chiều dài 2.200 ki lô mét tỏa khắp nơi chằng chịt, nay số kênh rạch này phần bị san lấp để nhường chỗ cho các công trình xây dựng, phần bị vô hiệu bởi rác rến lấp tràn khiến cho chúng không còn tác dụng thoát nước.
Khu vực nội thành gồm 14 quận đã bị bê tông hóa bề mặt đến hơn 90% cho nên nước mưa và nước triều không thấm được xuống đất. Hơn thế nữa, từ năm 1990, TPHCM chủ trương phát triển về phía Nam để tiến ra biển Đông. Đây là một vùng đất rộng lớn hàng ngàn héc ta, nhưng bỏ hoang vì đất bị nhiễm phèn.
Năm 1988, nhà đầu tư của Đài Loan là tập đoàn CT&D (Central Trading & Development) cùng với các đối tác phía Việt Nam đã phát triển khu vực này trở thành nơi thịnh vượng, người dân kéo về rất đông làm gia tăng dân số, mật độ xây dựng. Việc phát triển quá nhanh, thiếu thận trọng, lại không kiểm soát được đã để lại một di hại rất nghiêm trọng là làm mất túi chứa nước. Do các khu dân cư lớn chiếm chỗ, nên nước dội ngược trở lại trung tâm làm cho khu vực nội thành bị ngập rất sâu và rất rộng.
Chưa kể bản thân trục đường Nguyễn Văn Linh cũng là một con đê làm chậm tốc độ thoát nước ra phía vùng trũng hơn. Việc phát triển này đã và sẽ góp phần làm cho TPHCM bị ngập nước trầm trọng.
Việc lựa chọn giải pháp chống ngập không dứt khoát, đầu tư nhỏ, lẻ mẻ mang tính đối phó theo từng năm, từng sự vụ nên dẫn đến hậu quả là vừa không hiệu quả mà lại đưa đến tình trạng càng làm càng rối.
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu không phải là con “ngáo ộp” mà đang trở thành hiện thực từng ngày. Cách nay 10 năm đỉnh triều là 1,52 mét thì nay đã lên đến 1,72 mét. Trước kia hiếm khi có trận mưa với vũ lượng 100 mi li mét, thì nay mỗi năm có 4-5 trận mưa nhiều hơn 150 mi li mét, thậm chí năm 2018 có trận mưa lên đến hơn 400 mi li mét.
Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước mưa, mới làm năm 2001, chỉ thoát được mưa dưới 90 mi li mét. Hơn thế, cửa cống thoát nước ra kênh, sông vẫn giữ ở cao trình cũ từ thời Pháp thuộc, nên nếu cống thoát càng lớn thì, khi triều cường dâng cao, lượng nước trào ngược lại càng lớn, còn nâng toàn bộ hệ thống thoát nước cao hơn mặt sông thì phải nâng code (cao độ) của toàn thành phố lên hơn 2 mét, điều này là bất khả thi.
Thứ ba, việc chống ngập không được tính toán cho toàn bộ thành phố mà lại chia thành các khu vực theo kiểu ngập chỗ nào nâng chỗ đó, hoặc cô lập lại - dùng máy bơm chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Chính vì thế cho nên tình trạng bề mặt toàn thành phố bị chia cắt thành rất nhiều ô, mỗi ô bị bao quanh bởi các con đường giống như các con đê ngăn không cho nước liên thông với nhau.
Từ năm 2000, ở thành phố này xuất hiện một cuộc đua không có hồi kết. Đó là cuộc đua nâng đường trục, nâng đường nhánh, sau đó là nâng hẻm, nâng sân, nâng nền, nâng mái giữa chính quyền và người dân để “vượt cao hơn mặt nước”.
Để giải quyết việc ngập, lãnh đạo TPHCM cần phải lựa chọn dứt khoát một trong hai cách sau đây, hoặc cả hai cùng lúc trong một tỷ lệ hợp lý nhất:
Thứ nhất, hãy suy nghĩ và quyết liệt theo đuổi chiến lược “thoát nước tự nhiên” thay vì “tích trữ”. Một điều mà ai cũng dễ nhận thấy, nếu khai thông trở lại năm hệ thống kênh trục gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ; Bến Nghé; Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật; và các con rạch như Văn Thánh, Cầu Sơn - Cầu Bông; rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Phan Văn Hân, rạch Ông Tiêu, rạch Miếu Nổi, rạch Bùng Binh thì thành phố này không còn ngập nặng nữa, nếu có thì cũng chỉ là “bỗng chốc thôi”.
Việc khôi phục hệ thống thoát nước tự nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy tốn kém đấy, nhưng nó sẽ giúp thành phố thoát ngập bền vững, trả lại tên cho vùng đất này là “thành phố sông nước”, làm cho thành phố mát mẻ hơn và cố nhiên khách du lịch sẽ đến nhiều hơn, cuộc sống của người dân sẽ dễ chịu hơn.
Việc khai thông trở lại các dòng kênh rạch khó không? Khó, vì nó rất tốn kém, nhưng không phải là không làm được, minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện này là trường hợp Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Tốn kém nhưng không có nghĩa là đắt đỏ. Nếu tính gộp tổng chi phí cho chống ngập lẻ tẻ, đối phó từng miếng, từng sự vụ kéo dài hơn 30 năm nay, cộng thêm vào phần chi phí để nâng hẻm, nâng nền nhà, làm lại nhà của hàng trăm ngàn hộ gia đình thì chắc chắn còn tốn kém hơn nhiều so với khơi thông các kênh xuyên tâm.
Thứ hai, “nhốt nước lại” trong một hầm chứa khổng lồ ở nơi trũng nhất của thành phố, sau đó chuyển ra sông bằng hệ thống kênh ngầm thoát ra biển, một phần khác tái sử dụng vào việc tưới cây, rửa đường, rửa xe. Mô hình hệ thống chứa và thoát nước siêu khủng của Tokyo (Nhật Bản) là hình mẫu mà TPHCM có thể học.
Nguyễn Minh Hòa