Ngập ở TP Hồ Chí Minh đã vượt dự báo
Mới chỉ qua vài trận mưa kéo dài chừng 30 phút của đầu mùa mưa năm 2022, nhưng một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM đã mênh mông 'biển nước'.
Phố cao, đường mới cũng ngập
Cơn mưa xối xả đổ xuống nhiều khu vực tại TPHCM chiều 2-6 kéo dài gần 3 giờ. Thời điểm mưa đúng vào giờ tan tầm, khiến dòng người và xe bì bõm trong nước, ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi. Nhiều khu vực được cho là ít có rủi ro ngập do nằm ở vị trí cao hoặc đã được đầu tư thay mới gần như toàn bộ hệ thống thoát nước và thu gom nước nhưng cũng “chìm” trong nước sau cơn mưa lớn với vũ lượng gần 100mm này.
Anh Nguyễn Dũng, một người dân sống trên đường Phan Huy Ích (phường 12, quận Gò Vấp), cho biết: “Không chỉ cơn mưa ngày 2-6 mà khu vực anh sống cứ mưa lớn là ngập. Nước từ ngoài đường tràn cả vào nhà dân. Sợ nhất là mỗi khi có xe lớn chạy qua, đẩy sóng nước ồ ạt chảy vào nhà, đồ đạc của các hộ gia đình sống hai bên đường bị ướt sũng”.
Gần đó, đường Nguyễn Văn Quá (thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cũng mênh mông nước sau các trận mưa. Thời điểm mưa lớn kèm triều cường lên cao, tuyến đường này nước không có lối thoát.
Chị Đỗ Thị Bích Ngọc, chủ cửa hàng gạo trên đường Nguyễn Văn Quá, than thở: “Ở đây buôn bán rất ế ẩm vì cứ mưa là ngập. Mưa kéo dài chừng 30 phút là nước tràn từ mặt đường lên vỉa hè, rồi tuồn vô nhà. Các con hẻm thì nước chảy như suối, nên không bán buôn được gì”.
Ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, cho hay, theo Quy hoạch san nền của TPHCM, cao độ thấp dần từ phía Bắc thành phố xuống phía Nam; khu vực quận Gò Vấp, quận 12, các huyện Hóc Môn, Củ Chi là nơi cao nhất - cao hơn 9m so với mực nước biển. Cách nay khoảng 15 năm, khu vực này gần như chưa bao giờ bị ngập.
Cơn mưa ngày 2-6 cũng gây ngập nhiều tuyến đường khu vực trung tâm như các tuyến đường: Lê Lai, Lê Lợi, Bùi Viện, Huỳnh Thúc Kháng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1). Đây là khu vực mà nhiều lần ngành chức năng đã báo cáo “hoàn thành cơ bản công tác xóa ngập”, bởi toàn bộ hệ thống thoát nước gần như đã được cải tạo hoặc thay thế mới.
Khu vực trung tâm thành phố còn được “hưởng lợi” từ việc TPHCM tiến hành cải tạo, xây mới toàn bộ hệ thống thoát nước các lưu vực lân cận như Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nên từ vài năm nay đã không còn bị ngập… cho đến cơn mưa ngày 2-6 vừa qua.
Dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến 20-6 tới, thời tiết khu vực Nam bộ, mây thay đổi, phổ biến có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa. Lượng mưa trong tuần phổ biến khoảng từ 30-90mm. Như vậy, TPHCM có khả năng sẽ tiếp tục bị ngập lớn.
Ứng phó nhân tai và thiên tai
Trong gần 10 năm qua, thực tế chứng minh những dự báo về “vùng ít có khả năng bị ngập tại TPHCM” đã không còn đúng.
GS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là tình trạng bê tông hóa, san lấp kênh, rạch thiếu kiểm soát ở các khu vực này.
Cùng chung nhận định, ông Hoàng Minh Trí dẫn chứng, tình trạng ngập ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong những năm gần đây là do kênh A41 và kênh Hy Vọng (vốn có chức năng tiêu thoát nước của khu vực này) đã bị xâm lấn, dòng chảy tắc nghẽn do rác thải vứt bừa bãi xuống.
Ngành chức năng và lãnh đạo thành phố đã đánh giá được tình hình và nhanh chóng tăng cường quản lý công tác xây dựng, không cho san lấp kênh, rạch tràn lan. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
TPHCM còn gắn cuộc vận động này với việc thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 03/NQ-HĐND TPHCM ngày 11-6-2017 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, để có cơ sở triển khai liên tục, thường xuyên.
Đưa các chủ trương trên vào thực tế, bước đầu TPHCM đã cơ bản kiểm soát được tình hình xây dựng, san lấp kênh rạch trái phép ở nhiều nơi, tuy nhiên, công tác ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Với lý do thiếu người kiểm tra, giám sát nên nhiều địa phương chưa hạn chế được tình trạng xả rác bừa bãi. Nhiều công nhân nạo vét cống thoát nước cho biết, tình trạng người dân vứt đủ thứ từ quần áo cũ tới bao bì ni lông xuống cống khá phổ biến, thậm chí một số kênh, rạch cũng bị tắc vì những loại rác thải sinh hoạt này.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, những cơn mưa có vũ lượng lớn với thời lượng mưa dồn dập ngày càng nhiều, không ít công trình cống thoát nước của thành phố đã trở nên lạc hậu. Ngay với hệ thống thoát nước của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, các nhà khoa học, chuyên gia của các sở ngành chức năng TPHCM đã cảnh báo tiết diện thiết kế của hầu hết cống đã không còn phù hợp với diễn biến phức tạp của thời tiết. Phần lớn cống đều được thiết kế để tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình từ 75-92mm trong thời gian mưa 3 giờ, trong khi những cơn mưa có vũ lượng lớn từ 100-150mm, thậm chí lớn hơn ở TPHCM ngày một phổ biến.
Các chuyên gia chỉ rõ, kinh nghiệm phòng chống ngập của nhiều thành phố trên thế giới cũng như tại TPHCM cho thấy, nguồn lực sẽ không bao giờ là đủ nếu chạy theo sự thay đổi của thời tiết. Chống ngập cần giải pháp mang tính tổng hợp, mà đầu tư cho hệ thống thoát nước chỉ là một trong số đó. Công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước chỉ phát huy hiệu quả trong chống ngập nếu mỗi người dân cùng chung tay bằng những hành động cụ thể, như việc không vứt rác bừa bãi.
Hầu hết hồ điều tiết còn nằm… trên giấy
Giáo sư Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định, làm hồ điều tiết là giải pháp quan trọng để hỗ trợ những nơi có hệ thống thoát nước đã quá tải. Những công trình này có thể xây ở nhiều nơi, tận dụng được cả vỉa hè bên các tuyến đường để làm hồ ngầm, miễn là thu được nước, làm phân tán dòng chảy, hạn chế nước dồn đến điểm ngập. Với TPHCM, nếu xây hồ ngầm sẽ khắc phục được tình trạng thiếu quỹ đất dành cho công trình công cộng. Tuy nhiên, để làm được điều này, TPHCM phải xây dựng hoặc kiến nghị ban hành đơn giá định mức, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cụ thể, từ đó mới có cơ sở để triển khai.
Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng 103 hồ điều tiết chống ngập với tổng diện tích 875ha. Các hồ này sẽ là nơi trữ nước, giúp giải quyết tình trạng quá tải hệ thống cống, đồng thời điều hòa không khí. Trong đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM) đề xuất xây dựng trước 3 hồ điều tiết trong giai đoạn 2016-2020, gồm: Gò Dưa (TP Thủ Đức, quy mô 95ha, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 25ha); Khánh Hội (quận 4, với 4,8ha) và Bàu Cát (quận Tân Bình, quy mô 4ha), với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về thủ tục, nguồn vốn và mặt bằng nên đến nay, các dự án này vẫn chưa khởi động.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2021, UBND TPHCM phê duyệt đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, trong đó có giải pháp chống ngập bằng hồ điều tiết. Theo đó, TPHCM lên kế hoạch xây dựng 7 hồ điều tiết chống ngập cho những khu vực trũng thấp, với tổng kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng; song, đến nay các vị trí xây dựng hồ vẫn chưa được xác định.
Theo các chuyên gia đô thị, một số giải pháp “mềm” khác để hạn chế tình trạng ngập nước tại TPHCM, đó là phải phát triển mảng xanh. Vậy nhưng, thực tế phần lớn quy hoạch mảng xanh ở ngoại thành lại gắn với các khu đất nông nghiệp xen cài, hành lang sông rạch ẩm thấp, chưa gắn với quy hoạch khu dân cư nên khó thực hiện, khó kêu gọi đầu tư.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ngap-o-tp-ho-chi-minh-da-vuot-du-bao-820316.html