Ngát thơm rặng thị cổ dưới chân núi Ngọc tại Đồ Sơn
Những ngày trước Rằm tháng Tám, rặng cây thị tại vùng chân núi Ngọc, phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn (Hải Phòng) tỏa ngát hương thơm vấn vương.
Clip "Ngát thơm rặng thị cổ dưới chân núi Ngọc ở Đồ Sơn":
Cuối tháng 4/2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao Bằng công nhận cây di sản - rặng thị cổ thụ tại núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn). Kể từ đó, những cây cổ thụ có loại quả chín vàng óng vào dịp Thu về, mang mùi hương cổ tích “Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”, dần trở thành một trong những địa điểm hút khách tham quan tại Đồ Sơn.
Từ di tích quốc gia đình Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, men theo con đường nhỏ uốn lượn dẫn vào đền Cô Chín, lên tháp Tường Long, theo địa hình chân núi, hiện ra trước mắt chúng tôi là rặng thị cổ gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình đang sinh sống tại tổ dân phố số 5 và số 6.
Rặng thị cổ với những tán lá um tùm làm rợp mát cả một vùng đất. Trong làn gió biển, những chùm thị chín tỏa hương thơm dịu nhẹ đặc trưng mang đến cảm giác hoài cổ về một thời “rước đèn, trông trăng” đầy thơ mộng.
Theo người dân cao tuổi tại địa phương, quần thể 17 cây di sản này có những “cụ” tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Cùng thời gian, chúng cứ thế bám vào sườn núi Ngọc mà phát triển cho đến tận ngày nay.
Đáng chú ý, tùy theo dáng vẻ của từng cây cổ thụ mà người dân địa phương đặt tên cho cây thị. Thị Bảy chồi với bộ rễ cây chồi lên mặt đất, gốc cây mọc ra 7 chồi, dưới gốc cây có hầm chứa khoảng 10 người. Thị Khe, do mọc bên khe suối, thân cây lại rỗng có thể chứa được 2 người nên dân làng mới đặt tên như vậy. Còn Thị Hồng, bởi ruột quả có màu hồng rất khác lạ…
Rặng thị cổ gắn liền với đời sống của người dân miền biển. Họ không chỉ tự hào khi giữa nơi sơn thủy hữu tình này vẫn còn lưu giữ được một hệ thực vật gắn liền với lịch sử kháng chiến của của dân tộc mà đó còn là tài sản vô giá, tạo nên một không gian sinh thái trong lành, là điểm đến du lịch hấp dẫn cho nhân dân và du khách thập phương.
Cụ ông cao niên Lê Bá Đường (87 tuổi) của phường Ngọc Xuyên cho biết: Cây thị cho quả vào tháng 7 và tháng 8 âm lịch, với những trái thị căng tròn, vàng dịu như những vầng trăng nhỏ treo dưới tán lá. Nhưng đặc biệt cây thị hiện nay đang tồn tại 2 loại quả hình dáng và hương vị khác nhau.
Thị cổ cho quả rất to, để hái được phải dùng gậy dài để móc, hái. Những cây cành la đà, quả nhỏ xinh được chọn hái, mang về dùng cho thờ cúng hay để giữ mùi hương vấn vương trong phòng.
Quả thị to rụng vàng ở đường đi, thảm cỏ, tường đá rêu phong của các khu thờ tổ quanh khu vực rặng thị cổ thụ cũng làm nên khung cảnh đầy ấn tượng. Ngày nay, rặng thị cổ cùng với đình Ngọc Xuyên, đền Cô Chín, suối Rồng, tháp Tường Long, chùa Tháp... đã tạo thành một quần thể du lịch tâm linh, một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của địa phương.
“Thị và bứa là hai loài cây truyền thống gắn với vùng núi hiểm trở quanh khu vực Đồ Sơn. Khi quả bứa được dùng trong nấu ăn thì thị mang đặc trưng của mùa thu dịu mát. Thị cổ gắn với những trò chơi đoán tuổi thị, trèo thị của chúng tôi thời niên thiếu nay đã là một phần không thể thiếu của quê hương chúng tôi Đồ Sơn.” - cụ Lê Bá Đường chia sẻ.