Ngày 1/7, số ca mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia ASEAN cao kỷ lục
Trong ngày 1/7, số ca mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam đều ở mức cao kỷ lục trong vòng nhiều tháng qua.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 1/7, toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN đều có ca mắc COVID-19 với tổng số ca mắc trong ngày lên tới gần 45.000 ca và 807 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch là 4.945.755 ca, trong đó 95.135 người tử vong.
Trong ngày 1/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca bệnh COVID-19 nhất là Indonesia với 24.836 ca. Tiếp đó là Malaysia với 6.988 ca, Philippines với 5.795 ca, Thái Lan với 5.533 ca, Campuchia với 999 ca, Việt Nam với 713 ca, Timor-Leste với 56 ca, Lào với 23 ca, Singapore với 10 ca và Brunei với 1 ca.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới là: Indonesia với 504 ca, Philippines 135 ca, Malaysia 84 ca, Thái Lan 57 ca, Campuchia 26 ca và Timor-Lester 1 ca.
Như vậy, trong ngày hôm qua, số ca mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam đều ở mức cao kỷ lục trong nhiều tháng nay.
Ngày 1/7, Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ đầu dịch, với 24.836 ca, cao hơn đỉnh cũ 21.807 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó.
Indonesia cũng ghi nhận thêm 504 ca tử vong, cao hơn mức kỷ lục cũ 467 ca ghi nhận ngày 30/6. Tính đến nay, Indonesia vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 2.203.108 ca mắc COVID-19 và 58.995 ca tử vong.
Giới chức y tế cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai này do biến thể Delta nguy hiểm, cũng như việc người dân đổ xô từ các thành phố về quê trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Nhằm hạn chế biến thể Delta lây lan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa công bố các biện pháp khẩn cấp tại đảo Java và Bali.
Ông Widodo cho biết lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp sẽ được áp dụng từ ngày 3-20/7 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố tại Java - hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng kề đó với hơn 4 triệu dân.
Tuy nhiên, người lao động trong các “lĩnh vực quan trọng” sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế mới. Những lĩnh vực được coi là quan trọng gồm năng lượng, y tế, an ninh, hậu cần và vận tải, thực phẩm và đồ uống, cũng như các lĩnh vực kinh doanh bổ sung như cửa hàng tạp hóa, xây dựng và dịch vụ tiện ích.
Cùng ngày 1/7, Indonesia khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu tại một trường trung học công lập tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta.
Ngày 1/7, Malaysia ghi nhận 9.988 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 6/6 và là ngày thứ 3 liên tiếp ở trên mức 6.000 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 758.967 ca mắc COVID-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Yakoob cho hay, do số ca mắc mới COVID-19 tại Selangor và Kuala Lumpur liên tục ở mức cao, Chính phủ Malaysia có thể sẽ áp dụng Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại một số khu vực thuộc 2 địa phương này. Ngoài ra, chính phủ còn ra lệnh đóng cửa thêm nhiều nhà máy ở Selangor có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Ngày 1/7, Thái Lan thông báo số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh đảo du lịch Phuket của nước này bắt đầu đón nhóm du khách nước ngoài miễn cách ly đầu tiên.
Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cũng ghi nhận tổng cộng 57 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 2.080. Thái Lan cũng thông báo 5.533 ca mắc mới COVID-19, số ca nhiễm trong ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát.
Cho đến nay, Thái Lan xác nhận 264.834 ca mắc COVID-19, trong đó gần 90% ghi nhận kể từ đầu tháng 4/2021, khi làn sóng thứ 3 bắt đầu tại các câu lạc bộ ban đêm ở thủ đô Bangkok. Kể từ đó, Bangkok là trung tâm của sự gia tăng các ca lây nhiễm mới và hơn 1/3 số ca ghi nhận ngày 1/7 là tại thủ đô.
Người đi ra khỏi thủ đô Bangkok giờ đây cần phải quét mã QR tại các điểm kiểm tra và trình khai báo đi lại như một phần trong các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 1/7, đảo du lịch nổi tiếng Phuket của Thái Lan bắt đầu miễn cách ly bắt buộc đối với du khách nước ngoài đã tiêm chủng như dự án thí điểm mặc dù tình hình dịch trên cả nước chưa có dấu hiệu cải thiện. Khoảng 70% người dân ở Phuket đã tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi 56% tiêm liều thứ 2.
Trên cả nước Thái Lan, khoảng 9,9 triệu liều vaccine đã được tiêm trong đó 7,1 triệu người đã tiêm liều thứ 1 và 2,8 triệu người đã tiêm đầy đủ.
Tại Campuchia, dịch bệnh COVID-19 đang ở mức cao điểm khi số ca mắc mới mỗi ngày ở mức 1.000 ca trong 2 ngày trở lại đây, trong khi số ca tử vong ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Bộ Y tế Campuchia ngày 1/7 xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 999 ca mắc mới (bao gồm 132 ca nhập cảnh và 867 ca lây nhiễm cộng đồng) và 26 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 51.384 ca và 628 ca.
Trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh, Thủ tướng Hun Sen đã thông báo các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong ở Campuchia. Theo đó, ông yêu cầu thắt chặt xuất-nhập cảnh cả đường bộ, đường thủy và đường không; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh đối với tất cả lao động Campuchia về nước. Cùng với đó, thời gian cách ly khi nhập cảnh Campuchia sẽ kéo dài lên 21 ngày.
Thủ tướng Campuchia cũng cho phép các công ty tư nhân được sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 để xét nghiệm cho người lao động, qua đó giúp đẩy nhanh việc phát hiện dịch bệnh trong cộng đồng.