Ngày 13/3: Cả nước có 9 ca Covid-19 mới, 1 F0 khỏi bệnh
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày 13/3 của Bộ Y tế cho biết, có 9 ca mắc mới, tăng gấp hơn 2 lần ngày trước đó. Hôm nay có 1 bệnh nhân khỏi.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.046 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.489 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.819 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1 ca, trong đó:
Thở ô xy qua mặt nạ: 1 ca
Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
Thở máy không xâm lấn: 0 ca
Thở máy xâm lấn: 0 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Ngày 12/3 ghi nhận 0 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 12/3 có 2.650 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.505.331 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.975.259 liều: Mũi 1 là 71.083.112 liều; Mũi 2 là 68.708.578 liều; Mũi bổ sung là 14.534.368 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.998.657 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.650.544 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.894.808 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.355 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.629 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.635.264 liều: Mũi 1 là 10.289.917 liều; Mũi 2 là 8.345.347 liều.
Đã có bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn ở người, Bộ Y tế khuyến cáo gì?
Theo SKĐS, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Mới đây, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ độ II. Nguyên nhân được xác định là do người đàn ông này đã ăn lòng lợn, tiết canh.
Trường hợp bị sốc phản vệ phải cấp cứu tại TTYT huyện Sóc Sơn là ông L.Q.H.S. (51 tuổi), trú tại xã Phù Linh. Ông S. nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ; tức ngực; khó thở; huyết áp đo được 150/90 mm Hg; mạch nhanh 124 nhịp/phút; tần số thở 35 lần/ phút, chỉ số Sp02 là 92%.
Theo lời kể của ông S., trước khi vào cấp cứu tại TTYT huyện khoảng 1 giờ, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Bệnh nhân S. cũng cho biết, bản thân có tiền sử khỏe mạnh, không bị dị ứng.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cũng đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn thoát nguy cơ tử vong.
Trước đó nữa vào tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay. Đó là nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.
Theo Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Năm 1960, người nhiễm đầu tiên được phát hiện. Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 490 ca bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó tỷ lệ tử vong là 17,5%.
Cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn
Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong vài năm qua, chỉ có khoảng 10 bệnh nhân vào Bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Năm 2007 có tới hơn 48 ca (22 ca ở miền Bắc, 20 ca ở miền Nam, 6 ca ở miền Trung) được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn, có một số ca xét nghiệm xác định được tác nhân gây bệnh là S.suis týp II. Có 3 ca trong số này đã tử vong.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho thấy bệnh này có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (81%) là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn, tuy nhiên chỉ có 6 bệnh nhân (8%) có tổn thương da nghi ngờ. 69 bệnh nhân (96%) biểu hiện bệnh cảnh viêm màng não như: sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
Đồng thời, tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách.
Cùng đó thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.