Ngày 13/4/1975: Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh chuyển cách đánh
Ngày 13/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Sài Gòn-Gia Định đề nghị Bộ Chính trị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tổng Tư lệnh điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh chuyển cách đánh.

Quân Giải phóng chiếm Trường Thiết giáp của quân ngụy tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa). Từ đầu tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực của ta từ khắp các hướng tiến về Sài Gòn, tấn công địch với sức mạnh vũ bão và tiêu diệt toàn bộ tuyến phòng thủ từ vòng ngoài của địch. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Trưa 13/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh: Ở hướng Xuân Lộc hiện không nên thêm lực lượng. Với lực lượng sẵn có, chuyển cách đánh cho thích hợp để đạt những yêu cầu đề ra.
Trong ngày 13/4/1975, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền nam Việt Nam, đến Sở Chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh chỉ đạo thay đổi cách đánh: Không tập trung lực lượng tiến công vào nội ô thị xã mà chuyển sang bao vây, cô lập, cắt rời Xuân Lộc khỏi các hành lang giao thông nối vào Biên Hòa, ra Bình Thuận, lên Đà Lạt và xuống Bà Rịa-Vũng Tàu. Quân giải phóng chỉ giữ lại một bộ phận kìm chế quân địch trong thị xã, điều chỉnh lực lượng, tổ chức tiến công đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Đường số 1, chặn quân địch từ Trảng Bom lên, từ Gia Kiệm về, làm chủ chi khu Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa.
Cùng ngày, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định đề nghị Bộ Chính trị cho chiến dịch này được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thành ủy Sài Gòn-Gia Định tập trung chỉ đạo chuẩn bị cho đòn nổi dậy của quần chúng, phát triển thực lực. Các cấp đều được tăng cường cán bộ đảng viên và các cơ sở quần chúng. Biệt động Thành nắm chắc các lực lượng quan trọng như tổ biệt động, quần chúng có vũ trang để sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy.
Ngoài ra, lực lượng đứng ở vùng ven cũng được lệnh sẵn sàng tiến vào nội đô. Bên cạnh đó, lực lượng hậu cần bảo đảm cho chiến dịch cũng được triển khai hoạt động. Các đoàn bảo đảm tốt nhất cho các hướng của mình như: 210, 814, 235, 220, 230, 240. Các hướng hậu cần đã kết hợp chặt chẽ với cơ sở hậu cần vùng ven và nội đô thành đội để tiếp nhận sự chi viện của Trung ương, xây dựng thế trận cung cấp liên hoàn rộng khắp.
Ở Quân khu 8, ngày 13/4/1975, hai trung đoàn 24, 88 và 2 tiểu đoàn của tỉnh Long An nổ súng tiến công địch ở Tân Trụ.
Ở Quân khu 9, từ 13 đến 20/4/1975, lực lượng của Quân khu đánh nhỏ lẻ, diệt 2 đại đội thuộc trung đoàn 31 và 3 xe M113 trên Quốc lộ 4 và vùng ven, đồng thời tích cực chuẩn bị sẵn sàng đánh chiếm, cắt đứt con lộ này, bao vây, pháo kích vào sân bay Trà Nóc, sẵn sàng đánh chiếm hai thị xã Vĩnh Long, Trà Vinh.