Ngày 15/5: Ghi nhận 1.594 ca nhiễm COVID-19 mới
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 14/5 đến 16h ngày 15/5 đã ghi nhận 1.594 ca nhiễm COVID-19 mới giảm 301 ca so với ngày trước đó.
Số ca tử vong, mắc mới giảm mạnh
Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc mới nhiều có Hà Nội (461), Quảng Ninh (88), Nghệ An (80), Yên Bái (80), Tuyên Quang (73), Phú Thọ (73), Bắc Ninh (57), Thái Bình (47), Đà Nẵng (46), Quảng Bình (46);
Thái Nguyên (45), Lào Cai (44), Vĩnh Phúc (41), Ninh Bình (29), Sơn La (28), Bình Phước (26), Nam Định (26), TP. Hồ Chí Minh (25), Bình Dương (24), Bắc Kạn (23), Hà Nam (23), Hải Dương (22), Hà Tĩnh (21).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 2.493 ca/ngày.
Hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt.
Cũng theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.696.630 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.085 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 5.448 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 9.355.040 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 340 ca.
Từ 17h30 ngày 14/5 đến 17h30 ngày 15/5 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 1 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.065 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Bệnh gan bí ẩn không liên quan đến vắc xin COVID-19
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay thế giới đã ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ tại 25 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm loại bệnh viêm gan này.
Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết viêm gan cấp là tình trạng gan mới bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, độc chất, các tình trạng rối loạn chuyển hóa, rối loạn huyết động, rối loạn miễn dịch hoặc các bệnh lý toàn thân…
Điều này dẫn tới hậu quả là tế bào gan bị hủy hoại. Đa số các trường hợp viêm gan cấp có thể hồi phục sau khi loại trừ được tác nhân gây bệnh.
Một số ít diễn biến nặng, gây hậu quả suy gan không hồi phục và có thể tử vong, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến kéo dài dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan…
WHO cho biết những ca bệnh đầu tiên được báo cáo ở châu Âu và Bắc Mỹ, và số ca tăng nhanh được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số nước ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á cũng đã ghi nhận các ca bệnh.
Từ những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10-2021, tính tới ngày 10/5, đã có 348 trường hợp mắc bệnh tại 25 quốc gia, tăng 70 trường hợp so với báo cáo của tổ chức này vào ngày 6/5.
Theo WHO, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em có một số đặc điểm chung như sau:
Các ca bệnh là trẻ từ 0-16 tuổi. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn. Có một hoặc nhiều các triệu chứng như sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy … Có các triệu chứng tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau như vàng da, vàng mắt, phân bạc mầu, có sự hủy hoại tế bào gan (tăng nồng độ các enzyme của gan ở trong máu).
Hiện không tìm thấy các nguyên nhân thông thường đã biết gây tổn thương gan. Bệnh nhân có thể hồi phục sau điều trị hỗ trợ tích cực, tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng gây suy gan không hồi phục, cần ghép gan và đã có những trường hợp tử vong
"Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, li bì hơn… cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời"- bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-15-5-ghi-nhan-1594-ca-nhiem-covid-19-moi-post194782.html