Ngày 17/4: Ghi nhận 14.660 ca nhiễm COVID-19 mới, 10 ca tử vong

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 16/4 đến 16h ngày 17/4 ghi nhận 14.660 ca nhiễm COVID-19 mới, giảm 3.814 ca so với ngày hôm qua trong đó có 11.122 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh ghi nhận số ca mắc nhiều có Hà Nội (1.253), Yên Bái (801), Quảng Ninh (778), Phú Thọ (749), Nghệ An (746), Tuyên Quang (582), Bắc Giang (534), Thái Nguyên (509), Đắk Lắk (482);

Thái Bình (477), Hải Dương (448), Vĩnh Phúc (441), Lào Cai (440), Hồ Chí Minh (427), Bắc Kạn (398), Quảng Bình (398), Gia Lai (368), Hưng Yên (263), Lạng Sơn (258), Bắc Ninh (233), Cao Bằng (224).

Hiện nay công tác phòng chống dịch COVID-19 đang nhận được nhiều dấu hiệu tích cực.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.432.547 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.506 ca nhiễm).

Cũng theo Bộ Y tế, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 5.472 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 8.936.846 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.070 ca. Từ 17h30 ngày 16/4 đến 17h30 ngày 17/4 ghi nhận 10 ca tử vong tại: Kiên Giang (4), Bến Tre (3), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1).

Các biểu hiện hậu COVID-19 đối với trẻ cần lưu ý

TS. BS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài; Trẻ bị mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc;

Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ; Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; Có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Về hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau (trên 2 bộ phận) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Đối với hội chứng MIS-C, không có chuẩn vàng để chẩn đoán, cần tập hợp nhiều triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán bằng cách loại trừ với các bệnh lý khác (các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhưng không liên quan đến COVID-19 như nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa cấp, viêm tiết niệu,.. Đặc biệt cần phân biệt nhất là giữa MIS-C và COVID-19 cấp tính; giữa MIS-C và Kawasaki (sốt cấp kèm phát ban toàn thân).

Về những triệu chứng cần lưu ý, TS. BS Phan Hữu Phúc cho biết: Một trong những biểu hiện hậu COVID-19 mà nhiều người không để ý đó là các biểu hiện về thần kinh. Trong một nghiên cứu trên y văn với hơn 200 ca bệnh nhân MIS-C thì có khoảng gần 100 ca bệnh có những biểu hiện về thần kinh từ đau đầu, chóng mặt cho đến ngất và đột quỵ, có tới 3% bệnh nhân co giật...

Tuy nhiên, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi TW cũng nhấn mạnh không phải trẻ nào mắc COVID-19 cũng bị hội chứng này, mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-17-4-ghi-nhan-14660-ca-nhiem-covid-19-moi-10-ca-tu-vong-post190376.html