Ngày 21/2: Giá tiêu đi ngang, cao su biến động trái chiều, cà phê tiếp đà tăng

Giá tiêu hôm nay (21/2) ổn định trở lại sau chuỗi tăng liên tục. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn trên hai sàn TOCOM và SHFE biến động với biên độ dưới 1%. Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp đà tăng.

Giá tiêu hôm nay ổn định trở lại sau chuỗi tăng liên tục (Ảnh: T.L)

Giá tiêu hôm nay ổn định trở lại sau chuỗi tăng liên tục (Ảnh: T.L)

Giá tiêu đồng loạt đi ngang

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 20/2 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 17/2 như sau: Tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 3.617 USD/tấn, tăng 2,27%; Tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn, không đổi; Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi; Tiêu trắng Muntok ở mức 6.098 USD/tấn, tăng 0,2%; Tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.

Các công ty lớn trên thị trường tiêu đen đang tập trung vào việc mua bán và sáp nhập để tăng danh mục sản phẩm của họ. Dự đoán, các vụ mua lại chiến lược ngày càng tăng giữa các công ty lớn sẽ có tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của thị trường tiêu đen toàn cầu.

Cao su biến động trái chiều

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 2/2023 đạt mức 205,5 yen/kg, giảm 0,72% (tương đương 1,5 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h40 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2023 được điều chỉnh lên mức 12.420 Nhân dân tệ/tấn, tăng 0,93% so với giao dịch trước đó.

Cà phê thế giới tiếp đà tăng

Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp đà tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2023 được ghi nhận tại mức 2.093 USD/tấn sau khi tăng 0,38% (tương đương 8 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 3/2023 tại New York đạt mức 185,75 US cent/pound, tăng 3,05% (tương đương 5,5 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam).

Hiện tại, sản xuất cà phê châu Phi chiếm 12% tổng sản lượng hạt cà phê trên toàn thế giới. Ethiopia và Uganda là hai quốc gia chiếm 62% lượng cà phê xuất khẩu của châu Phi. Côte d'Ivoire đứng ở vị trí thứ ba, chiếm 13% sản lượng. Tanzania chiếm 6% sản lượng và Kenya đóng góp 5% sản lượng.

Trong đó, Ethiopia là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Phi, chịu trách nhiệm thu hoạch và phân phối 3% tổng nguồn cung cấp hạt cà phê của thế giới. Sản lượng cà phê của Ethiopia trong năm 2022 là khoảng 4 triệu bao cà phê nhân.

Hầu hết các trang trại cà phê, đặc biệt là ở Đông Phi, nhỏ hơn nhiều so với những trang trại khác ở châu Á và thậm chí cả châu Mỹ Latinh. Đây có thể là lý do tại sao sản lượng cà phê của châu Phi chỉ chiếm 12% tổng sản lượng trên toàn thế giới. /.

A.T (t/h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngay-212-gia-tieu-di-ngang-cao-su-bien-dong-trai-chieu-ca-phe-tiep-da-tang-122084.html