Ngày 21/4: Giá dầu thế giới ghi nhận tuần biến động lao dốc

Giá dầu thế giới hôm nay (21/4) trải qua tuần giao dịch lao dốc, hiện tại dầu WTI ở mốc 83,24 USD/thùng, dầu Brent ở mốc 87,39 USD/thùng.

Giá dầu thế giới hôm nay trải qua tuần giao dịch lao dốc. Ảnh tư liệu

Giá dầu thế giới hôm nay trải qua tuần giao dịch lao dốc. Ảnh tư liệu

Khép lại tuần giao dịch, giá dầu thế giới ghi nhận tuần biến động lao dốc. Căn cứ theo dữ liệu trên Oilprice lúc 4h30 ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 83,24 USD/thùng, tăng 0,50% (tương đương tăng 0,41 USD/thùng).

 Giá dầu WTI trên thị trường thế giới rạng sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam)

Giá dầu WTI trên thị trường thế giới rạng sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam)

Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 87,39 USD/thùng, tăng 0,21% (tương đương tăng 0,18 USD/thùng).

Giá dầu Brent trên thị trường thế giới rạng sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam)

Giá dầu Brent trên thị trường thế giới rạng sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam)

Giá dầu WTI ổn định trên 83 USD/thùng, giá dầu Brent ổn định trên 87 USD/thùng vào ngày 19/4, phục hồi sau mức giảm trước đó.

Giá dầu tiếp tục trượt nhẹ trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần, chịu tác động bởi những cơn gió ngược kinh tế gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư, hạn chế lợi nhuận từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Tồn kho thương mại của Mỹ tăng, dữ liệu kinh tế yếu hơn từ Trung Quốc và tiến triển trong các dự luật viện trợ Ukraine và Israel của Mỹ đã đẩy giá dầu trượt sâu hơn 3% ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần, ghi nhận phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần tính đến ngày 12/4, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng thêm 2,7 triệu thùng lên 460 triệu thùng, gần gấp đôi so với kỳ vọng tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.

Đà giảm của giá dầu đã chững lại ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Trong phiên này, giá dầu Brent và WTI ở thế trái chiều với dầu Brent giảm 18 cent, dầu WTI tăng 4 cent. Sự trái chiều là do các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu kinh tế của Mỹ cùng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran, cũng như căng thẳng ở Trung Đông.

Theo các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, thị trường dường như đã xem nhẹ và phớt lờ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã giảm bớt phần bù rủi ro địa chính trị đối với giá dầu do nhận thấy bất kỳ sự trả đũa nào của Israel đối với cuộc tấn công của Iran đều sẽ được giảm bớt trước áp lực của quốc tế.

Giá dầu đã bất ngờ quay đầu tăng vọt hơn 3 USD ở đầu phiên giao dịch cuối cùng của tuần, lấy lại được gần như hầu hết những mất mát ở 4 phiên giao dịch trước đó, khi thành phố Isfahan của Iran bị tấn công. Tuy nhiên, mức tăng đã không được duy trì đến cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu chỉ tăng nhẹ tối đa 41 cent sau khi Iran “hạ thấp” thông tin về cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện, một dấu hiệu cho thấy sự leo thang thù địch ở Trung Đông có thể tránh được.

Như vậy là sau 3 phiên giảm giá, 1 phiên trái chiều, và 1 phiên tăng nhẹ, cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm khoảng 3% cả tuần - mức giảm hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 2, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp./.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngay-214-gia-dau-the-gioi-ghi-nhan-tuan-bien-dong-lao-doc-149322.html