Ngày 24/4: Ghi nhận 8.813 ca nhiễm COVID-19 mới

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 23/4 đến 16h ngày 24/4, ghi nhận 8.813 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 1 ca nhập cảnh, giảm 1.553 ca.

Số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục giảm

Các tỉnh có số ca mắc mới nhiều gồm Hà Nội (970), Bắc Giang (540), Phú Thọ (511), Quảng Ninh (495), Nghệ An (442), Yên Bái (424), Lào Cai (325), Tuyên Quang (311), Vĩnh Phúc (302), Thái Nguyên (297);

Bắc Kạn (278), Thái Bình (249), Quảng Bình (236), Nam Định (216), Hải Dương (207), Đắk Lắk (189), Hưng Yên (177), Gia Lai (165), Cao Bằng (163), Lạng Sơn (162), Lâm Đồng (162), Hà Tĩnh (137).

Hiện nay dịch COVID-19 đang có chiều hướng giảm mạnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.563.502 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.794 ca nhiễm).

Cũng theo Bộ Y tế, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 4.581 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 9.086.075 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 612 ca. Từ 17h30 ngày 23/4 đến 17h30 ngày 24/4 ghi nhận 9 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 10 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.013 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Không coi thường hậu COVID-19 ở sản phụ

Mới đây, Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận điều trị cho sản phụ Hoàng Thị V., bị cạn ối sau nhiễm Covid-19. Sản phụ mang thai ở tuần 24, khi nhiễm Covid-19 cũng hoàn toàn khỏe mạnh, không có những triệu chứng nặng nề. Vì thế, sản phụ chủ quan không đi khám mà chỉ đi kiểm tra thai kỳ theo lịch.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, khi thai phụ đến khám 3 tuần sau nhiễm Covid-19, thai không tăng thêm trọng lượng.

"Chúng tôi phát hiện sản phụ cạn ối, chỉ số D-dimer (chẩn đoán các bệnh lý huyết khối) rất cao, tăng gấp 7 so với người bình thường. Trường hợp này dù có truyền ối cũng không thể điều chỉnh được cơ chế đông máu”, bác sĩ Sim nói.

Thời gian qua, nhiều bà mẹ mắc COVID-19 và được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, do không được phát hiện sớm, một số bà bầu rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh khi lâm bồn do các biến chứng của Covid-19 đã biểu hiện trên toàn thân.

Mới đây nhất, sản phụ Nguyễn Thị L. lên bàn mổ đẻ ở tuần 38, sức khỏe hoàn toàn bình thường sau nhiễm COVID-19, bất ngờ tím tái toàn thân vì bị tắc mạch.

Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu khẩn cấp để cứu được tính mạng sản phụ. Đây là một trong số những sản phụ gặp biến chứng nghiêm trọng do chủ quan không đi khám hậu COVID-19.

“Có những sản phụ sau ca mổ bắt con bất ngờ ngừng tim, tím tái toàn thân. Trước đó, sản phụ từng nhiễm COVID-19 triệu chứng nhẹ và không đi khám hậu COVID-19.

Dù nhiễm COVID-19 nhẹ, nhưng khi cơ thể phản ứng lại sự tấn công của nCoV có thể gây ra tình trạng tắc mạch. Và khi can thiệp dùng thuốc trong mổ đẻ càng làm gia tăng nguy cơ tắc mạch cho sản phụ”, bác sĩ Sim cho hay.

Theo chuyên gia này, việc tắc mạch có thể xảy ra ở nhiều cơ quan như não, tim, tắc động mạch tử cung. Bởi vậy, việc sinh nở với sản phụ từng nhiễm Covid-19 phải được theo dõi hết sức thận trọng để cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, sức khỏe của thai nhi, trẻ sơ sinh cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi mẹ mắc COVID-19. Một số bé có mẹ từng mắc COVID-19 gặp nhiều hơn các vấn đề liên quan tổn thương phổi, gan, rối loạn đông máu, loạn nhịp tim, tiêu chảy.

Sau khi chào đời, các bé có thể khó thở hơn, sốt nhẹ, giảm tiểu cầu, chức năng gan rối loạn, nhịp tim nhanh, tràn khí màng phổi, có dấu hiệu nôn, khó tiêu,... dù được xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Sim cho biết, hậu COVID-19 thường có diễn biến trung bình 1-3 tháng tùy từng người. Bởi vậy, những người sau nhiễm Covid-19 cần chú ý sức khỏe của mình, đặc biệt là các sản phụ.

Qua thăm khám các sản phụ hậu COVID-19, bác sĩ Sim cho biết, có rất nhiều biến chứng xảy ra với thai phụ như rối loạn chức năng thận, men gan tăng cao gây ra khó ăn, nhói ngực do đau tim, đặc biệt là nguy cơ đái tháo đường.

Bởi vậy, các bác sĩ khi thăm khám phải siêu âm, thăm dò trên tử cung để xem quá trình nuôi thai thế nào, đi tìm các biến chứng trên thai nhi để xem xét có cần theo dõi chuyên sâu hay không.

Từ những trường hợp cấp cứu nguy hiểm thời gian quan, bác sĩ Sim nhấn mạnh, việc chủ quan, không tái khám sau khi âm tính với nCoV, thậm chí không xét nghiệm khi làm thủ tục sinh, đã bỏ qua việc tầm soát, sàng lọc phát hiện nguy cơ rất có giá trị sẽ gây ra nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Tiến sĩ Sim cho hay nhiều trường hợp bên ngoài rất khỏe mạnh nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy có tổn thương đa cơ quan. Khi cuộc đẻ kết thúc, những người này không thể tự hồi phục và rơi vào tình trạng rất xấu.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-24-4-ghi-nhan-8813-ca-nhiem-covid-19-moi-post191451.html