Ngày 27/8 thêm 12.901 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM 5.383 bệnh nhân
Tối 27/8, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới với 19 ca nhập cảnh và 12.901 ca trong nước (6.627 ca cộng đồng). Ngày 27/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 4.508 ca được lấy mẫu từ các ngày trước đó trên trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.332 ca. Tại TPHCM tăng 1.449 ca, Bình Dương giảm 681 ca, Đồng Nai tăng 253 ca, Long An tăng 5 ca, Tiền Giang giảm 42 ca.
Cụ thể số ca mắc ngày 27/8:
TPHCM (5.383), Bình Dương (4.187), Đồng Nai (996), Long An (454), Tiền Giang (312), Đà Nẵng (202), Tây Ninh (132), Khánh Hòa (131), Quảng Bình (125), Đồng Tháp (122), An Giang (91), Bình Thuận (87), Hà Nội (77), Cần Thơ (72), Thừa Thiên Huế (70), Đắk Lắk (63), Bà Rịa - Vũng Tàu (59), Nghệ An (57), Bến Tre (31), Bình Định (29), Thanh Hóa (28), Kiên Giang (28), Phú Yên (21), Trà Vinh (19), Bình Phước (17), Hậu Giang (15), Vĩnh Long (14), Quảng Trị (13), Quảng Ngãi (9), Sóc Trăng (8 ), Cà Mau (8 ), Ninh Thuận (6), Hà Tĩnh (6), Quảng Nam (5), Ninh Bình (5), Hà Nam (4), Gia Lai (4), Sơn La (3), Bạc Liêu (3), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Hải Dương (1).
Bộ Y tế cho biết kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 410.366 ca nhiễm, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 195.840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum và 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ. Hiện có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (199.483), Bình Dương (94.745), Đồng Nai (21.467), Long An (19.949), Tiền Giang (8.821).
Trong ngày có thếm 10.126 trường hợp được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 198.614 ca. 24 giờ qua đã thực hiện 685.699 xét nghiệm cho 757.294 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 11.522.362 mẫu cho 30.740.951 lượt người.
Trong ngày 26/8 có 298.212 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.
Ngày 27/8 Bộ Y tế ban hành văn bản số 7107/BYT-MT về việc xử lý thi hài tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.
Cùng ngày Bộ Y tế tiếp nhận 1.442.300 liều vắc xin AstraZeneca, thuộc hợp đồng mua 30 triệu liều của Công ty VNVC. Đây là đợt giao vắc xin thứ 10 và 11 của AstraZeneca. Như vậy, đến nay gần 8,2 triệu liều vắc xin của AstraZeneca trong hợp đồng mua của VNVC được giao, tương đương 27,3% hợp đồng.
Sở Y tế TPHCM ban hành văn bản số 6056/SYT-NVY ngày 27/8/2021 về việc sử dụng thuốc Molnupiravir cho người F0 có triệu chứng nhẹ, trong đó người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên), độ tuổi từ 18-65 tuổi và đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuộc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ. Người F0 có triệu chứng nhẹ gồm có các triệu chứng như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy.
Chương trình Túi thuốc điều trị F0 tại nhà và cơ sở điều trị đang được TPHCM khẩn trưởng triển khai, dự kiến trong tuần này hoàn tất chuẩn bị 100.000 túi thuốc đưa về các địa phương để chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà. Thuốc điều trị COVID-19 cho F0 tại nhà được chia thành 3 gói (A, B, C), sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.