Ngày 30 Tết: Nguồn cung hàng hóa dồi dào không tăng giá đột biến

Ngày 9/2/2024 (tức 30 Tết), tại các chợ truyền thống, siêu thị đã diễn ra phiên mua bán cuối cùng của năm trước khi bước sang năm mới Giáp Thìn. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.

Thực phẩm, rau xanh giá ổn định

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại các chợ truyền thống như Kim Liên, Khương Thượng (Đống Đa), Thành Công (Ba Đình)... sáng ngày 30 Tết cho thấy, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn hiện được bán ở mức từ 130.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, các loại thịt nạc vai đầu giòn, thăn, ba chỉ khoảng 130.000 – 135.000 đồng/kg, sườn non 140.000-155.000 đồng/kg... Giá thịt bò ở mức từ 220.000 – 320.000 đồng/kg tùy loại, trong đó, giá thịt gầu bò ở mức 250.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 320.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua hoa quả tại chợ truyền thống ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nám

Người tiêu dùng mua hoa quả tại chợ truyền thống ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nám

Trong khi đó giá gà trống nguyên lông từ 130.000 – 140.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 100.000-110.000 đồng/kg, riêng mặt hàng gà lễ đêm 30 Tết 190.00-210.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến như giò, bánh chưng ổn định so với ngày thường. Hiện giò lụa 150.000 - 180.000 đồng/kg, giò xào 220.000-250.000 đồng/kg giò bò 250.000 - 270.000 đồng/kg, bánh chưng 60.000 đồng/chiếc.

Tương tự các mặt hàng thủy hải sản tươi sống mặc dù sức mua tăng cao nhưng giá bán các mặt hàng này cũng không tăng đột biến, hiện tôm sú tùy vào kích cỡ có giá từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, mực ống từ 150.000- 250.000 đồng/kg, bạch tuộc sữa 150.000 -160.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg, cá chép và trắm giòn 180.000- 200.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, những ngày này mặc dù mặt hàng rau xanh được tiêu thụ nhiều nhưng giá bán vẫn giữ như ngày thường, thậm chí còn giảm giá.

Cụ thể, cà chua 40.000 đồng/kg, dưa chuột 25.000 đồng/kg, bắp cải 20.000 đồng/kg, súp lơ xanh 18.000-20.000 đồng/chiếc, cà rốt 8.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000-16.000 đồng/kg, xà lách 15.000-20.000 đồng/kg, dưa chuột 13.000-18.000 đồng/kg…Thậm chí với nhóm rau dùng để ăn kèm ngày Tết như cải cúc giảm từ 15.000 đồng/mớ xuống còn 8000 đồng/mớ, su hào giảm từ 12.000-15.000 đồng/củ xuống còn 5.000 đồng/củ…

Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng rau xanh giảm giá mặc dù sức mua tăng tiểu thương Nguyễn Thị Nghĩa kinh doanh rau xanh tại chợ Thành Công cho biết, thời tiết thuận lợi rau xanh được mùa nên giá rau không tăng, mặc dù dịp này sức mua đã tăng mạnh. Bên cạnh đó phần lớn diện tích rau ăn lá ở các địa phương đã đến thời kỳ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm là điều đương nhiên.

Đảm bảo nguôn cung và an toàn thực phẩm

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hàng hóa trên thị trường trong ngày 29 - 30 Tết nguồn cung khá phong phú, các siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, ngành công thương Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023.

Thông tin từ hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị Aeon Mall, Coopmart, LotteMart, BigC, WinMart, Hapro… đã tăng thời gian phục vụ.

Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong cho hay, năm nay người dân mua sắm Tết muộn nên từ 27 Tết đến nay sức mua tăng tới 300%. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân siêu thị Big C Thăng Long mở cửa từ 7 giờ – 23 giờ. Trong ngày 30 Tết, hệ thống sẽ phục vụ mua sắm Tết tới 14 giờ và chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2, hệ thống hoạt động bình thường, mở cửa từ 8 giờ - 22 giờ.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Để phục vụ mùa mua sắm cao điểm, siêu thị AEON sẽ mở cửa sớm từ 7 giờ sáng, đóng cửa muộn vào 23 giờ đối với khu vực siêu thị tầng 1 và phục vụ xuyên Tết. Hệ thống siêu thị Co.opmart mở cửa đến 12 giờ ngày 30 Tết và chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết và mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết. Từ ngày mùng 6 Tết, trở lại hoạt động bình thường.

“Việc các siêu thị chỉ nghỉ 1 ngày sau đó mở cửa kinh doanh trở lại là một trong những lý do khiến người tiêu dùng không mua hàng dự trữ trong kỳ nghỉ Tết. Điều này kéo theo sức mua lương thực, thực phẩm tại chợ truyền thống không tăng như mong muốn” - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu phân tích.

Người tiêu dùng mua hàng Tết tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua hàng Tết tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam

Sức tiêu thụ hàng hóa trong những ngày cận Tết Nguyên đán tăng mạnh, nhưng nhiều người tiêu dùng lo lắng liệu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có được bảo đảm.

Để đảm bảo an thực phẩm trong những ngày này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của TP để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn và triển khai đồng loạt trên 30 quận, huyện, thị xã.

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Nam

Theo đó, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của thành phố đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành triển khai trên các điểm kinh doanh sản xuất trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thường xuyên có đợt kiểm tra đột xuất đối với những chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Đối với toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật và phải niêm yết công khai chứng nhận đủ đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối kinh doanh đều phải kiểm soát bảo đảm chất lượng đầu vào, các sản phẩm đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh bảo đảm đúng các quy định của nhà nước.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngay-30-tet-nguon-cung-hang-hoa-doi-dao-khong-tang-gia-dot-bien-748049.html