Ngày 31/3/1975, giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định
Cách đây 50 năm, ngày 31/3/1975, tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng sau đợt tiến công của các lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân.
Đầu tháng 3/1975, phối hợp với mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 đã mở chiến dịch tiến công Bình Định nhằm kìm chân Sư đoàn 22 của quân đội VNCH, khống chế sân bay Phù Cát, cắt đứt đường 19 nối Bình Định với Gia Lai…
Tới cuối tháng 3/1975, thời cơ giải phóng tỉnh Bình Định xuất hiện trong bối cảnh mặt trận Tây Nguyên liên tiếp báo tin chiến thắng và lực lượng địch rút chạy trên đường số 7 bị tiêu diệt. Tỉnh ủy Bình Định quyết định lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền, kết hợp với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương.
Ngày 24/3/1975, Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định phát động cao trào toàn dân nổi dậy với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” và phát mệnh lệnh tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh.

Xe thiết giáp quân Giải phóng trên đường hành quân vào Quy Nhơn. (Ảnh: TTXVN)
Bắt đầu từ ngày 26/3, quân và dân khắp các huyện trong tỉnh Bình Định đồng loạt tiến công, nổi dậy giải phóng các huyện. Ngày 28/3, Hoài Nhơn trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh Bình Định được giải phóng. Sau đó, các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh được giải phóng.
Rạng sáng 31/3, bộ đội địa phương bí mật cơ động và đánh vu hồi vào phía nam thị xã Quy Nhơn. Lợi dụng lúc địch lúng túng, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đánh chiếm cầu Đôi, cầu Sông Ngang, khu 5, núi Một, không chế sân bay, quân cảng, hậu cứ Sư đoàn 22 quân đội VNCH. Sau đó, pháo binh quân giải phóng trên núi Một bắn chi viện cho đặc công nước chiếm lĩnh Mũi Tấn, quân cảng Quy Nhơn.
Kết hợp với bộ đội, các đoàn thể đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm trụ sở Khu 2, Khu 3, đồn cảnh sát Bạch Đằng, nhà lao, Dinh Tỉnh trưởng… Du kích, tự vệ mật, an ninh vũ trang, công nhân truy quét tàn quân và bảo vệ các kho tàng, chống địch cướp phá máy móc.
Tối 31/3/1975, thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định được giải phóng. Tiếp đó, ngày 1/4/1975, quân giải phóng đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tàn quân Sư đoàn 22 quân đội VNCH tìm cách tháo chạy ra biển.
Sau khi giải phóng toàn tỉnh, Đảng bộ và quân, dân Bình Định nhanh chóng huy động phương tiên, lực lượng đưa quân giải phóng cùng vũ khí, khí tài, quân dụng vào các tỉnh phía Nam, góp phần tích cực vào quá trình đi tới Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.