Ngày 6/5/1954: Mọi điều kiện đều đã đầy đủ để chuyển sang tổng công kích
17 giờ ngày 6/5/1954, quân ta mở cuộc tấn công đồi A1 - 'chìa khóa' của tập đoàn cứ điểm; tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh tiến công chung cho những trận đánh trong ngày.
17 giờ ngày 6/5/1954, quân ta mở cuộc tấn công vào đồi A1 - điểm cao cuối cùng, “chìa khóa” của tập đoàn cứ điểm.
Cũng trong đêm hôm đó, quân ta tiêu diệt quân địch và đánh chiếm đồi C2. Các vị trí 506 của địch ở phía Bắc cầu Mường Thanh, 310 ở phía Tây cũng bị tiêu diệt. Mọi điều kiện đều đã đầy đủ để chuyển sang tổng công kích.
Những trận đánh ngày 6/5/1954
Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh tiến công chung cho những trận đánh ngày 6/5/1954.
20 giờ, hỏa lực của ta tập trung bắn vào A1, C2, cứ điểm 506, Bắc Mường Thanh, cứ điểm 310, Tây Mường Thanh. Lần này có thêm sự phối hợp của 12 dàn hỏa tiễn. Mặc dù độ tán xạ còn cao, những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mới này đã làm cho quân địch hoảng sợ.
Địch đã có chuẩn bị. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả những khẩu pháo còn lại của tập đoàn cứ điểm tập trung rút đạn xuống những trận địa chiến hào của ta xung quanh A1 và C2.
Trước giờ G năm phút, các chiến sỹ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1 nhắm mắt đề phòng sóng xung động và ánh chớp của ngàn cân bộc phá.
Đúng 20 giờ 30 phút, một tiếng nổ trầm vang lên. Sau tiếng nổ của bộc phá, quân ta chia làm nhiều mũi, từ nhiều hướng đánh vào vị trí của địch.
Ở Phía Đông-Nam, hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 249, do Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân địch. Phía Tây-Nam, Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đưa Tiểu đoàn 251 tiến theo giao thông hào mới đào trên mặt ruộng ven đường 41, thọc một mũi dùi cắt rời A1 khỏi Mường Thanh.
Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, và cuốn theo phần lớn Đại đội dù 2 của Pháp đóng ở đây. Trong “Tổng tập Hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên và cuốn theo phần lớn đại đội dù 2 của Ếtmơ đóng ở đây.
Ponget ngồi trong hầm ngầm bỗng thấy quả đồi rung rinh, một tiếng nổ trầm át mọi tiếng động khác kéo dài vài giây. Một lát sau y mới hiểu ra và biết mình vừa thoát chết.
Khối bộc phá một ngàn cân tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng càng lên gần đỉnh đồi thì những đất đá từ hố sâu bốc lên đã làm quả đồi biến dạng và trở nên rất khó đi. Lợi dụng lúc đó những tên lính dù còn sống sót của Đại đội 2 liên tiếp trút đạn liên thanh về phía ta. Đại đội 316 đánh vào trận địa súng cối.
Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm. Đại đội 3 của Pháp do Ponget chỉ huy đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng.”
Ở phía Tây Nam các chiến sỹ bộc phá Tiểu đoàn 251 hoàn thành nhiệm vụ đánh phá lô cốt “cây đa cụt.” Tiểu đoàn 251 đã cắt đứt con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên.
“Sau khi tiêu diệt được vị trí “cây đa cụt,” Tiểu đoàn trưởng 125 Dũng Chi quyết định đưa một lực lượng xuống uy hiếp A3, đồng thời tổ chức một mũi đánh lên đỉnh đồi dồn quân địch ở A1 vào giữa hai thế gọng kìm.”
Cũng trong đêm ấy, thêm nhiều vị trí ở phía Tây và Tây Nam lọt vào tay ta, trong đó có cứ điểm 310 được coi là “con mắt” của trung tâm; chiếm xong cứ điểm 311 (Hugaette F), đưa trận địa tiến công của Đại đoàn 308 vào cách Sở Chỉ huy Christian de Castries 300m.
Tiếp đó là cứ điểm C2 cũng bị tiêu diệt, cuộc phản kích của địch lên vị trí này bị đập tan. Toàn bộ khu vực phòng ngự then chốt của địch bị xóa sổ.
Sâu trong tung thâm, ta đã đánh chiếm các cứ điểm 507 gần cầu Mường Thanh và các cứ điểm 508, 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Trận địa súng cối bên kia sông đối diện với các vị trí này cũng đã hoàn toàn bị tê liệt.
Như vậy, địch đã mất hết tất cả các điểm cao ở phía Đông, lực lượng bị tiêu diệt thêm một phần quan trọng, phạm vi chiếm đóng bị thu lại rất hẹp, tinh thần binh sỹ của chúng hoang mang đến cực độ. Mọi điều kiện đều đã đầy đủ để chuyển sang tổng công kích.
Địch hoang mang cực độ
Ngay sáng 6/5, không quân Pháp-Mỹ cố gắng cứu nguy cho khu Trung tâm, bầu trời hẹp của Điện Biên Phủ cùng xuất hiện một lúc tới 47 máy bay ném bom B.26, 18 khu trục “Cướp biển và 47 máy bay các loại khác.
Trên đỉnh đồi, những tên lính dù dựa vào những ụ súng ngầm và chiến hào chống cự lại ta quyết liệt; cố gắng kéo dài cuộc chiến đấu, chờ quân cơ động từ Mường Thanh lên cứu nguy như mọi lần.
Tại Mường Thanh, trước tình hình nguy ngập của nhiều cứ điểm ở phía Đông và cả phía Tây, Langlais quyết định tập hợp tại Epervier những bộ phận còn lại của tiểu đoàn dù 6 mới được tăng viện chưa lâu và tiểu đoàn dù 8.
Trong căn hầm chỉ huy của khu trung tâm, “máy điện thoại vang lên giọng nói bực bội của tên phi công. Chúng tôi không thể bay mãi như thế này... nếu không nhận thì để chúng tôi quay về... Nhưng cũng lúc đó, ở những máy khác lại vang lên tiếng kêu thất thanh của bọn chỉ huy các cứ điểm bên kia sông: Pháo sáng đâu? Ưu tiên số một cho pháo sáng.!
Việt Minh lại bắt đầu xung phong rồi! Bây giờ, nếu cho tắt pháo sáng tức là bịt mắt binh lính của hắn cho đối phương nhảy vào cứ điểm. Nhưng lính tăng viện lúc này cũng rất cần...
Cuối cùng, Langglais đành hạ lệnh tiếp tục thả pháo sáng và bảo bọn phi công chở cái đại đội lính nhảy dù tăng viện khốn khổ ấy quay về Hà Nội. Vả lại một đại đội lính dù quẳng xuống đây lúc này chỉ là muối bỏ bể”./.