Ngày 8/3: Cần để phụ nữ học 'bơi' một cách tự do mà không có những phán xét

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cho rằng, tạo cơ hội để phụ nữ 'nhảy xuống nước' là chưa đủ để họ có thể 'bơi' tốt. Cần bảo đảm để phụ nữ học 'bơi' một cách tự do mà không có những phán xét về khả năng, ngoại hình hay điều kiện kinh tế...

Bà Ngô Thị Thu Hà nêu quan điểm, tạo cơ hội để phụ nữ 'nhảy xuống nước' là chưa đủ để họ có thể 'bơi' tốt.

Bà Ngô Thị Thu Hà nêu quan điểm, tạo cơ hội để phụ nữ 'nhảy xuống nước' là chưa đủ để họ có thể 'bơi' tốt.

Bình đẳng giới luôn được hiểu là cần phải đối xử công bằng với phụ nữ. Điều đó đã đúng và đủ hay chưa theo quan điểm của bà?

Tôi nghĩ rằng, đối xử công bằng với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ bị "lề hóa" sẽ góp phần đạt được bình đẳng giới.

Bình đẳng giới có nghĩa là mọi cá nhân được tự do theo đuổi bất kỳ công việc, lựa chọn lối sống và khả năng nào mà họ muốn mà không bị kì thị hay phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, xu hướng tính dục hay bản dạng giới.

Bình đẳng giới có nghĩa là quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận xã hội của các cá nhân không khác nhau dựa trên giới tính, xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ.

Bình đẳng giới không nhất thiết là mọi người đều phải được đối xử hoàn toàn như nhau. Do đó, công bằng giới, bao gồm đối xử công bằng với phụ nữ thường được thảo luận cùng lúc với bình đẳng giới vì lý do này.

Vì hầu hết các xã hội, dù ở phương Đông hay phương Tây đã ưu ái nam giới từ lâu nên nam giới có rất nhiều lợi thế ở cả gia đình và xã hội.

Đối xử công bằng với phụ nữ để bảo đảm phụ nữ có thể tiếp cận với các quyền, cơ hội và phát huy khả năng của mình sẽ giúp lấp đầy khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Nó giúp giải quyết sự phân biệt đối xử ở cả trong quá khứ và hiện tại, giúp cho sự bình đẳng trở thành hiện thực.

Cũng cần hiểu rằng, đối xử công bằng với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ bị "lề hóa" không phải là ưu tiên hay tạo điều kiện cho phụ nữ mà các bên liên quan đang thực hiện nghĩa vụ của mình để đạt được bình đẳng giới thực chất ở cả cấp độ gia đình và ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Suy nghĩ của bà về hình ảnh phụ nữ Việt Nam nhiều thế kỷ trước “quẩn quanh xó bếp” so với phụ nữ hiện nay năng động, lăn xả ra ngoài kiếm tiền?

Nhiều hình ảnh, câu chuyện hay số liệu mà tôi được tiếp cận cho thấy phụ nữ thời xưa hay thời nay vẫn đang gánh nặng cả vai trò sản xuất và vai trò chăm sóc nuôi dưỡng gia đình trên vai.

Trước đây, phụ nữ vẫn vừa phải lo công việc đồng áng, sản xuất vừa phải gánh công việc gia đình, họ hàng. Thời nay vẫn vậy, nhiều phụ nữ được đánh giá là năng động, giỏi giang, lăn xả, chủ động về kinh tế nhưng vẫn dành rất nhiều thời gian cho những công việc chăm sóc không được tính công.

Một nghiên cứu do tổ chức ActionAid thực hiện cho thấy, trong suốt cuộc đời mình, phụ nữ phải làm công việc chăm sóc không được trả công nhiều hơn nam giới 4 năm.

Kết quả điều tra lao động - việc làm năm 2019 do Tổng cục Thống kê công bố chỉ ra rằng, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gần gấp đôi nam giới. Trung bình hằng tuần, phụ nữ phải dành gần 39 giờ cho lao động sản xuất và 20,2 giờ cho việc nhà, trong khi, nam giới dành 40 giờ cho lao động sản xuất và 10,7 gờ làm việc nhà.

Cũng theo kết quả điều tra trên, có đến gần 20% nam giới cho biết họ không hề dành chút thời gian nào cho công việc nhà.

Tôi luôn băn khăn với phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã và đang được phổ biến trong lực lượng lao động nữ hay các đề án nâng cao quyền năng kinh tế, việc làm cho phụ nữ mà không đi cùng những đề án thúc đẩy thu hẹp thời gian làm việc nhà giữa phụ nữ và nam giới hay các chính sách của nhà nước đối với công việc chăm sóc không lương.

Vậy theo bà, cần thay đổi tư duy, phải trao quyền thế nào để phụ nữ có cơ hội thể hiện bản lĩnh và năng lực của mình?

Để phụ nữ có thể thể hiện bản lĩnh và năng lực của mình, cần một quá trình từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Từ khi còn nhỏ, trẻ em gái cần được các thành viên gia đình và nhà trường tôn trọng, ghi nhận, động viên và khích lệ để các em có thể tự tin thể hiện mình mà không bị phán xét, chê trách, thậm chí bị bạo lực.

Những điều này cũng cần áp dụng đối với phụ nữ trưởng thành trong môi trường giáo dục nghề nghiệp, nơi làm việc hay các giao tiếp xã hội. Tôi nghĩ rằng, dù là phụ nữ hay nam giới đều sẽ phát huy năng lực và bản lĩnh của mình khi được tôn trọng, động viên và nhận được sự tin tưởng từ người khác.

Gần đây, tôi có cơ hội làm việc với nhiều trẻ em gái và nữ thanh niên thì tôi nhận ra rằng, nhiều em bị tổn thương kéo dài do bị trách phạt, bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực gây ra bởi người lớn trong gia đình, giáo viên trong nhà trường hay chứng kiến bạo lực ở ngoài xã hội.

Môi trường làm việc mang tính áp đặt, bất công hay dung túng bạo lực giới cũng hạn chế phụ nữ thể hiện bản lĩnh và phát huy khả năng của mình. Do đó, cần tạo một môi trường sống và làm việc khoan dung, tôn trọng tự do, tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử.

Qua đó, sẽ giúp cho mỗi người, dù người đó là nam giới hay phụ nữ, dù mang trên mình bất cứ xu hướng tính dục và bản dạng giới nào cũng sẽ tự tin thể hiện bản lĩnh và tài năng của mình.

Có người nói, tạo cơ hội cho phụ nữ nhảy xuống nước thì họ sẽ bơi tốt. Quan điểm của bà thế nào?

Theo tôi, tạo cơ hội để phụ nữ nhảy xuống nước là chưa đủ để họ có thể bơi tốt, có khi còn nguy hiểm, thậm chí mất mạng. Do đó, cần bảo đảm để phụ nữ học bơi một cách tự do mà không có những phán xét về khả năng, ngoại hình hay điều kiện kinh tế, xã hội hay những đùa cợt mang tính quấy rối.

Tuy nhiên, cũng cần tôn trọng những phụ nữ sợ nước hay không thể bơi, hay bơi không giỏi như những người khác. Tức là tôn trọng mọi khả năng của phụ nữ mà không có sự so sánh giữa phụ nữ nọ với phụ nữ kia vì những người bị so sánh dễ bị tổn thương, cảm thấy tự ti.

Không cấm phụ nữ không có nghĩa là bắt phụ nữ làm những việc vượt quá khả năng và sở thích của họ.

Tương tự như vậy, ở cấp độ gia đình hay các lĩnh vực khác trong xã hội, bên cạnh tạo cơ hội bình đẳng và khích lệ, động viên thì cũng cần tôn trọng khả năng và sở thích của phụ nữ và trẻ em gái.

Tuy nhiên, tôn trọng và khích lệ không có nghĩa giao việc quá sức với bất kỳ trẻ em gái hay phụ nữ nào.

Trong thời đại số, phụ nữ Việt cần làm gì để bắt nhịp được sự chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc, cần thể hiện mình ra sao và quảng bá, tiếp thị hình ảnh của mình thế nào?

Tôi sẽ không đưa ra lời khuyên cho bất kỳ ai về cách xây dựng, quảng bá và tiếp thị hình ảnh của mình vì mỗi người có một lựa chọn và trải nghiệm riêng. Đặc biệt, xã hội đang mong đợi phụ nữ phải vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà trong khi mỗi người đều mang trên mình một khả năng, hoàn cảnh gia đình, công việc và vị trí xã hội mà không ai có thể hoàn hảo, tròn trịa.

Là một phụ nữ trong thời đại số, tôi hiểu và đang trải nghiệm những lợi thế cũng như mặt trái của nó. Nó là công cụ để gia tăng tri thức, hiểu biết, phục vụ công việc và gia tăng thu nhập. Nhưng nó là cũng công cụ để phát tán tin giả, bí mật đời tư và phát ngôn thù ghét.

Tôi vẫn đang học hỏi hằng ngày để đáp ứng được yêu cầu của công việc và cập nhật những dịch vụ số do các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung cấp. Tôi cũng học hỏi để nhận biết tin giả và tránh rơi vào bẫy phát ngôn thù ghét.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-83-can-de-phu-nu-hoc-boi-mot-cach-tu-do-ma-khong-co-nhung-phan-xet-176242.html