Ngày 8/3: Đàn ông cũng có quyền được nói

Bình đẳng giới không thể chỉ là câu chuyện của riêng phụ nữ mà thiếu vắng tiếng nói của một nửa thế giới vô cùng quan trọng còn lại: Đàn ông.

“Tôi cảm thấy áp lực cần có bạn gái”, “Nỗi sợ lớn nhất của tôi là bố tôi không thực sự yêu tôi”.

Đó là những câu trích dẫn được trưng bày trong triển lãm "Global GuyTalk" (Đàn ông toàn cầu lên tiếng) tại Hà Nội, khai mạc ngày 8/3, ngày Quốc tế phụ nữ.

Sự kiện khởi động cho Global GuyTalk, sáng kiến bắt đầu các cuộc đối thoại giữa những người đàn ông về nhiều vấn đề, thường ít được đề cập (tình yêu, tình dục, lòng tự trọng, sự tổn thương,...) hướng đến có thể ảnh hưởng đến thái độ và gia tăng bình đẳng giới.

Thực tế, câu chuyện bình đẳng giới không mới và quyền của phụ nữ đã được nhắc đến nhiều lần vào mỗi “dịp” mùng 8/3. Nhưng theo các diễn giả tại sự kiện, không chỉ nên là những ngày “phụ nữ được nhận quà”, đã đến thời điểm nam giới cần nói lên suy nghĩ và chia sẻ vai trò của họ trong xây dựng bình đẳng.

(Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển)

(Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển)

Win-win chứ không phải win-lose

Trả lời phóng viên bên lề sự kiện, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, sẽ tốt hơn nếu không nói về đấu tranh giành bình đẳng giới như một cuộc chiến kẻ thắng người thua, mà là một nơi hai bên đều sẽ giành chiến thắng.

“Hôm nay (8/3) là ngày đặc biệt hơn 100 năm đấu tranh cho nữ quyền. Tuy nhiên không phải là sai lầm nhưng chúng ta đã nói quá nhiều về phụ nữ lên tiếng cho nữ quyền, tức là chỉ có phụ nữ mà thôi, cho nên tôi ủng hộ việc có tiếng nói của nam giới”, ông nói.

Theo ông, “món quà” tuyệt vời cho phụ nữ ngày 8/3 sẽ là sự chia sẻ, cùng tham gia. Bên cạnh đó, nam giới cũng cần được đóng góp vào quá trình xây dựng sự bình đẳng.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

“Chúng tôi ủng hộ sự win-win, làm sao cả hai cùng thắng, từ sự chia sẻ quan điểm, suy nghĩ, tình cảm. Win-win ở trong kinh doanh đã khó rồi, win-win trong xã hội càng khó hơn, và trong gia đình càng khó hơn nữa, tuy nhiên bắt đầu từ GuyTalk này thì nó đã rất gần rồi”.

Phát biểu tại sự kiện, ông kể lại câu chuyện của mình: “Trước khi kết hôn tôi từng nói với vợ là phòng khách là của anh, bếp là của em còn phòng ngủ của hai chúng ta. Nhưng trong quá trình chung sống thì tôi thấy chủ yếu thời gian gia đình là ở trong bếp...

Tôi nhận ra căn bếp quan trọng thế nào. Tự nhiên tôi thấy bị mất bớt vai trò, tôi muốn vào bếp để chia sẻ. Tôi nghĩ bình đẳng giới không phải là đánh đổi công việc của nam và nữ mà là cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ”.

Ông Johan Alvin, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Thụy Điển, chia sẻ về quá trình nuôi dạy các con trai và những thách thức ông phải đối mặt, với việc các quan niệm từ nhiều thế hệ rằng bé trai và những người đàn ông phải trở thành người như thế nào. “Đàn ông cũng chia sẻ trách nhiệm trong việc xây dựng bình đẳng giới”, ông khẳng định.

Ông Johan Alvin.

Ông Johan Alvin.

Liệu khi những người đàn ông ngồi ăn tối với bạn bè là nam giới của mình thì có thể làm tăng cường bình đẳng giới không? Câu hỏi này chính là điểm khởi đầu cho sáng kiến có tên “bữa tối của đàn ông” vào năm 2016 của tổ chức bình đẳng Make Equal. Kể từ đó, vô số bữa tối của đàn ông đã được tổ chức trên khắp Thụy Điển - trong quốc hội, trong các câu lạc bộ bóng đá và tại nhà riêng. Nay sáng kiến được đưa đến Việt Nam.

Giao tiếp là chìa khóa

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu.

Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe: “Mục tiêu chung của bình đẳng giới là một xã hội mà mọi người, không phân biệt giới tính, đều có cơ hội, quyền và nghĩa vụ như nhau trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Một phần của việc đạt được điều đó là đàn ông hiểu được cơ hội của họ để trở thành một phần của sự thay đổi tích cực và nhìn nhận điều đó trong hoàn cảnh của chính họ. Tôi tin rằng điều cần thiết cho một mối quan hệ gia đình lành mạnh là những người đàn ông nói chuyện với nhau và vượt qua tâm lý gia trưởng phổ biến là (nam giới) không chia sẻ cảm xúc”.

"Giao tiếp chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề xã hội", Phó Giáo sư David O. Kronlid, giảng viên Đại học Uppsala cho biết.

Theo bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện, tại Việt Nam chưa có nhiều diễn đàn để nam giới có cơ hội được nói lên suy nghĩ tâm tư của mình. "Bình đẳng đôi khi không đến từ những gì to tát, mà nó bắt nguồn từ sự hòa hợp, lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, tình cảm và mong muốn từ hai phía", bà nói.

Một số hình ảnh khác tại sự kiện:

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngay-8-3-dan-ong-cung-co-quyen-duoc-noi-ar599871.html