Ngày Cá tháng Tư: Vui thôi đừng quá trớn kẻo trả giá đắt
Ngày Cá tháng Tư 1/4 hay còn gọi là ngày nói dối cho phép mọi người nói dối đùa vui với nhau, nhưng nguồn gốc của ngày lễ này vẫn là một ẩn số đối với nhiều người.
Nguồn gốc của Ngày Cá tháng Tư gây tranh cãi
Báo Người Lao Động đưa tin, theo một giả thuyết rất phổ biến, người Pháp vốn coi 1/4 là ngày đầu tiên của mùa xuân và đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25/ 3 đến 1/4. Trong khi đó, khái niệm Poisson d’avril - Cá tháng Tư - lại có nguồn gốc khác. Nhà thơ d’Amerval là người đầu tiên đưa ra khái niệm này, bởi tháng tư là tháng của cung Song Ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào.
Theo thời gian, trò đùa vào ngày Ngày Cá tháng Tư trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18).
Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư mang tính quốc tế, được chấp nhận ở nhiều nước.
Dù là ngày lễ của quốc tế, nhưng việc nói dối ở mỗi đất nước lại vô cùng khác nhau.
Ngày Cá tháng Tư, mọi người có thể thoải mái nói dối nhau nhưng không phải bất kỳ thời gian nào trong ngày này, lời nói dối của người nói dối cũng dễ dàng được tha thứ.
Theo đó, mọi người có thể nói dối cả ngày ở Mỹ, Pháp, Ireland... nhưng chỉ được nói dối đến giữa trưa ngày 1/4 ở Anh, Canada, New Zealand, Úc. Ở những quốc gia này, nếu nói dối sau buổi trưa ngày 1/4, sẽ bị coi là bất lịch sự, thậm chí người bị lừa còn giận và cạch mặt người đã lừa họ.
Có thể bị phạt tù nếu cố ý "đùa"
Tại Việt Nam, ngày Cá tháng Tư cũng được nhiều người áp dụng đùa nhau khá nhiều. Và trên mạng hội, việc "troll" nhau bằng những thông tin cũng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, với mạng xã hội bây giờ, khoảng cách giữa nói dối (để đùa) với việc cung cấp, phát tán thông tin sai sự thật rất mong manh.
Người đưa thông tin sai lệch phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước các quy định của pháp luật.
Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có những điều khoản quy định rất rõ về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Điều 101 của Nghị định 15/2020 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Cùng với đó, mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình), phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, người trong gia đình...
KHÁNH LINH (t/h)