Ngày càng nhiều người bị đột quỵ, bác sĩ chỉ cách ăn để phòng ngừa
Ngoài một số yếu tố di truyền không thể thay đổi, đột quỵ còn do nhiều tác nhân khác như thói quen ăn uống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc.
Đột quỵ xảy ra khi một phần não không được cung cấp đủ máu, thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ, trong thập kỷ qua, số lượng người trẻ bị đột quỵ đã tăng lên. Số ca bệnh ở nhóm dưới 65 tuổi tăng khoảng 15% ở Mỹ từ năm 2011-2013 đến 2020-2022. Điều này tương ứng với sự gia tăng các yếu tố nguy cơ cho tim mạch như béo phì ở những người trong độ tuổi lao động.
Theo Cleveland Clinic, các tế bào não sẽ chết nếu thiếu oxy quá lâu, dẫn đến tổn thương vĩnh viễn và mất đi một số khả năng nhất định như nói hoặc thị giác. Đó là lý do nhận thức về các yếu tố nguy cơ đột quỵ rất quan trọng.
CDC Mỹ thông tin đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 ở Mỹ vào năm 2021, khiến nước này thiệt hại khoảng 56,2 tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2020.
Tiến sĩ Neshika Samarasekera, nhà thần kinh học lâm sàng, nói với Business Insider rằng các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân đằng sau sự gia tăng đột quỵ ở những người trẻ tuổi. Các yếu tố có thể bao gồm ô nhiễm, căng thẳng, béo phì.
Theo Tiến sĩ Samarasekera, đột quỵ có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng có một số cách để giảm thiểu rủi ro.
Bỏ thuốc lá
Tiến sĩ Samarasekera khuyên: “Đầu tiên, nếu bạn đang hút thuốc, hãy dừng lại”.
Theo Hiệp hội Đột quỵ, nhóm hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người khác và có nguy cơ tử vong vì đột quỵ cao gấp đôi. Khói thuốc lá chứa hàng nghìn hóa chất độc hại, khi hít vào sẽ xâm nhập máu, làm tổn thương các tế bào khắp cơ thể.
Hút thuốc có thể làm giảm nồng độ oxy trong máu, tăng huyết áp, gây rung tâm nhĩ, tăng mức cholesterol “xấu” và nguy cơ đông máu. Đây đều là những yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ.
Một số nguy cơ như tuổi tác và yếu tố di truyền nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nên điều quan trọng là bạn phải cố gắng giảm thiểu những yếu tố có thể kiểm soát được.
Ăn nhiều rau quả màu sắc mỗi ngày
Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ giảm đột quỵ. Tiến sĩ Samarasekera khuyên nên ăn nhiều rau quả mỗi ngày, tập trung vào các loại nhiều màu sắc như bông cải xanh và cà rốt, chứa nhiều chất chống oxy hóa.
Có bằng chứng cho thấy tình trạng viêm đóng vai trò gây ra đột quỵ. Các chất chống oxy hóa giúp loại bỏ viêm. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, rượu và thực phẩm có nhiều đường, muối.
Tăng nhịp tim của bạn mỗi ngày
Tiến sĩ Samarasekera nói lý tưởng nhất là mọi người nên đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải 30 phút mỗi ngày để giúp nhịp tim tăng lên. Bạn có thể đi bộ nhanh, chạy… “Hãy đặt mục tiêu tăng nhịp tim của bạn dần dần”, vị chuyên gia khuyên.
Theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, 5 lần một tuần được cho là giúp giảm 25% nguy cơ đột quỵ. Vận động đóng vai trò quan trọng trong việc giảm một số yếu tố nguy cơ đột quỵ, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol.