Ngày càng vắng bóng cây gòn

Hầu như cây gòn trưởng thành nào cũng ra trái sai lúc lỉu. Ảnh: XH

Cây gòn thường đứng cô độc, thân cao vút giữa nắng gió ở các miền quê. Mùa trái chín, gòn bung bông nở trắng như đàn cò trắng trên cây. Nhưng bây giờ, năm thuở mười thì mới thấy một cây gòn ở nơi xa típ tắp.

Có lẽ, ai cũng từng nghe đến cây gòn, một loài cây đặc trưng ở các miền quê. Những người thuộc thế hệ 7X trở về trước, nói đến cây gòn là hình dung ra ngay. Còn lớp trẻ sau này, hình dáng, thế đứng cây gòn như thế nào, chắc chẳng mấy người mường tượng được vì chưa một lần thấy.

Biểu tượng làng quê

Ông Nguyễn Đình Hòa gần 70 tuổi, ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, chiều ra ngồi mát trước sân nhà, mắt trực chỉ về phía gò đồi thấy cây gòn đứng bên bờ rào, chia sẻ: Lâu lắm rồi nay mới thấy ở đây có cây gòn. Cây này mới lớn, không biết sắp đến chủ đất có chặt bỏ không. Trước đây xóm này có mấy cây gòn, gốc to người ôm không hết. Nhưng do gòn che khuất ánh nắng mặt trời, rập đất, các loại cây trồng như sắn, mía bên dưới chậm phát triển nên chủ đất chặt bỏ.

Cũng theo ông Hòa, trước đây gần nhà ông có cây gòn lâu năm thân to bằng thùng phuy, cao chót vót, đứng lừng lững như một biểu tượng làng quê. Loài cây này có sức sống bền bỉ, mãnh liệt nhưng lại là loài cây cô độc, thường đứng lẻ loi một mình giữa vùng gò đồi, giữa triền cao, hay sát bờ bàu, bờ sông. “Hồi nhỏ cha tôi nói, chỗ đất xấu thấy cây gòn mọc đôi nhưng rất hiếm”, ông Hòa cho biết. Cây gòn khi còn non vỏ xanh um như da rắn lục. Cây càng lớn, màu xanh càng nhạt dần, nó ra nhánh thưa thớt rồi vươn cao lên hẳn so với những cây khác. Nắng lửa sáu tháng mùa khô đằng đẵng, cây gòn vẫn một màu xanh thủy chung. Những năm hạn hán kéo dài, sắn mía khô cháy nhưng chưa ai thấy cây gòn chết khô bao giờ.

Nhắc đến cây gòn, ông Lê Văn Vinh ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An chia sẻ: Cây gòn không ai trồng, mà nó tự mọc. Mùa trái chín nứt vỏ, bông gòn mang hạt bay theo gió, hạt rụng rơi xuống đất rồi mọc thành cây, chủ đất thấy thương thì để lại. Ngày trước cây gòn có mặt ở khắp nơi, từ chân núi, ven đồi, ruộng gò đến bờ suối… Vì cây gòn không có giá trị kinh tế nên người ta đã chặt bỏ, lấy đất trồng keo, bạch đàn. Hôm rồi vô Tuy Hòa, trên đường đi, tôi thấy có cây gòn dưới chân đèo Quán Cau (xã An Hiệp, huyện Tuy An) nở bông trắng xóa. Hình ảnh này rất hiếm thấy.

Bông gòn. Ảnh: CTV

Bông gòn. Ảnh: CTV

Hình bóng quê hương

Cây gòn lớn đúng sức thì ở miền quê không cây gì cao bằng. Cũng vì cây gòn cao to nên chim chèo bẻo thường làm tổ, sáng chiều nghe tiếng chim hót mơ màng.

Ông Trần Văn Tân ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) kể: Hồi tôi còn nhỏ, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, miền quê mưa nắng đan xen, đồi mía xanh ngăn ngắt một màu. Chiều đi học về, tôi nheo mắt nhìn chim chèo bẻo làm tổ trên cây gòn ở gần nhà. Chim chèo bẻo mỏ dài, khi tổ có con non, chim mái chim cồ thay nhau canh giữ. Chúng ham con nên có con chim nào bay ngang qua gần tổ là bay theo vừa cắn vừa “la làng”, nghe đinh tai, nhức óc. Còn lúc bình thường, nó kêu nghe thánh thót, êm tai.

Cũng theo ông Tân, hầu như cây gòn trưởng thành nào cũng ra trái sai lúc lỉu. Khi trái già nứt bụng bung bông như đàn cò trắng đậu trên cây. “Khi trái gòn bung bông là có người đi khều gòn”, ông Tân kể tiếp: Cây gòn phân nhánh từng đoạn, từ gốc lên thẳng, lên cao 2-3m rồi ra nhánh xoay tròn, chớ không phải như loại cây khác ra um tùm. Tuy nhiên, thân gòn mềm nên đến mùa bung bông, leo lên nửa cây rồi dùng cây sào khều. Có cây gòn to tán rộng, phải chắp 2 cây sào khều mới tới. Khều gòn xong thì bỏ toàn bộ trái trong bao tải rồi thò tay vô lột, tách vỏ. Nếu đổ ra nong, nia, bông gòn gặp gió hốt hết lên trời. Bông gòn dùng để độn gối, xe tim đèn dầu, tim quẹt lửa…

Nói về gối gòn, chị Phan Thị Trang ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) cho rằng, gối gòn mềm, gối đầu êm dễ ngủ. Sau này, trong gối độn đủ loại, nào là vải vụn, xốp vụn, cao su cao cấp...

Cũng theo chị Trang, thân gòn thường được dùng làm guốc mộc cho phụ nữ mới sinh nở mang đi lại trong nhà. “Hồi sinh đứa con đầu tiên tôi cũng mang guốc gòn. Vì gỗ gòn xốp, mềm nên dễ đục lỗ, luồn quai, mang đi lại trong nhà rất tiện”, chị Trang cho biết.

Còn nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển chia sẻ: Tuổi thơ tôi nặng tình với cây gòn. Tôi thường chặt nhánh cây gòn to vừa nắm tay để chơi đánh trỏng với đám bạn trong xóm. Cha tôi để dành trái gòn khô trong nhà để xe tim đèn, tim quẹt lửa. Thời đó thắp đèn dầu, tim đèn làm bằng bông gòn, tim chiếc quẹt lửa cũng bằng bông gòn. Bóng đèn dầu thường bị nám khói bên trong, mẹ tôi dùng bông gòn để lau cho sáng...

“Hồi trước nhiều nhà có cây gòn. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người đốn hạ để trồng cây khác, kinh tế hơn. Cây gòn cứ thế dần vắng bóng, bây giờ đã trở thành dĩ vãng. Vừa rồi tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ của Phú Yên đi thực tế sáng tác tại các tỉnh phía Nam, có dịp dừng chân ven đường ở Hậu Giang nghỉ mát dưới bóng cây gòn. Trầm ngâm nhớ lại hình bóng cây gòn gắn với hình ảnh thân thương của bao bà mẹ, ông cha ở quê thuở trước, lòng tôi như trôi dạt về nơi chôn nhau cắt rốn nhớ hình bóng quê hương trên cây gòn năm cũ”, nhạc sĩ, NSND Cao Hữu Nhạc trải lòng.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/286527/ngay-cang-vang-bong-cay-gon.html