Ngày càng xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân
LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban kinh tế - xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhNhìn lại chặng đường ra đời, hoạt động và phát triển hơn 75 năm qua, có thể khẳng định HĐND xứng đáng là 'viên gạch hồng' vững chắc đặt nền móng để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Các đại biểu dân cử ở địa phương đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện vẹn tròn, đủ đầy lời hứa, ngày càng xứng đáng hơn với kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, xứng đáng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc.
Tháng 11.1945, với sự ra đời của Sắc lệnh số 63 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, HĐND đã được thành lập và gắn liền với quyền dân chủ đại diện của Nhà nước ta. Tổ chức, bộ máy của HĐND các cấp không ngừng được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua các thời kỳ lịch sử, có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Ngày 30.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thành công rực rỡ, Nam Bắc sum họp một nhà, đánh dấu mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam, đó cũng là dấu mốc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Từ đây, quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương được thu về một mối, tổ chức thống nhất trên dải đất hình chữ S, tròn vẹn, đầy đủ.
Vị trí, vai trò không thể thay thế
Chỉ hơn hai tháng sau ngày nước ta giành được độc lập, Sắc lệnh số 63-SL được ban hành quy định về tổ chức chính quyền nhân dân xã, huyện, tỉnh, kỳ. Theo đó, chính quyền địa phương nước ta lúc đó được tổ chức thành 4 cấp, gồm: kỳ, tỉnh, huyện và xã. Đối với tỉnh và xã (ở địa bàn nông thôn); thành phố, thị xã (ở địa bàn đô thị) được xác định là cấp chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và Ủy ban hành chính; riêng kỳ và huyện chỉ có Ủy ban hành chính.
Hiến pháp năm 1946 dành trọn chương V quy định về HĐND và ủy ban hành chính, thể hiện rõ nét vị trí, vai trò quan trọng của HĐND trong bộ máy nhà nước ở địa phương nước ta ngay từ những ngày đầu tiên xác lập chế độ dân chủ cộng hòa. “Hồi đó, nhiệm kỳ của HĐND cấp tỉnh là 2 năm. Những khóa đầu, thời hạn làm việc của các HĐND cấp tỉnh chỉ có một năm. Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, chiến tranh nên việc tổ chức và hoạt động của HĐND cũng có nhiều biến động theo từng thời kỳ lịch sử. Việc tổ chức bầu cử cũng không dễ dàng, có những nơi không thể thực hiện, cũng có những nơi chỉ định, có những đại biểu HĐND bầu xong đã hy sinh. Gian khổ lắm. Nhưng không vì thế mà hoạt động không bảo đảm được. HĐND đã đóng góp rất lớn vai trò cơ quan đại diện cho dân trong thời chiến, đồng hành lãnh đạo Nhân dân cùng toàn Đảng toàn quân đi đến thắng lợi cuối cùng.” - Cụ Phạm Ngũ - nguyên đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa II hồi tưởng.
“Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, bên cạnh xác lập chính quyền ở Trung ương với cơ quan đại biểu tối cao của Nhân dân là Quốc hội mà ở địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vị trí quan trọng, không thể thay thế được của HĐND. Nghiên cứu kỹ tư tưởng của Người, ta thấm thía căn nguyên sâu xa chính là hai chữ “Nhân dân”, HĐND chính là một trọng những viên gạch vững chãi để Người đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đã được khẳng định trang trọng trong bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” - ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chia sẻ.
Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên HĐND được khẳng định: “là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. HĐND các cấp do Nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương”. Cũng theo bản Hiến pháp này, HĐND được thành lập ở các cấp đơn vị hành chính lãnh thổ như tỉnh, huyện, xã và các cấp tương đương. Năm 1962, lần đầu tiên các Ban của HĐND được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp.
Ngày 30.4.1975, sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giang sơn đất nước ta thu về một mối, cùng với tổ chức, hoàn thiện hệ thống chính trị, phát triển các lĩnh vực thì về mặt thể chế, Hiến pháp năm 1980 ra đời hoàn thiện đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tổ chức và hoạt động của HĐND, tiếp tục khẳng định: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và chính quyền cấp trên”…
Từ năm 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Quốc hội đã quyết định ban hành Hiến pháp mới năm 1992. Các chế định của bản Hiến pháp này vẫn trên cơ sở kế thừa quan điểm của các bản Hiến pháp trước đó. Trong đó, tiếp tục quy định HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND các cấp được tăng lên là 5 năm. Tổ chức HĐND có Thường trực HĐND và các Ban của HĐND.
Hiện nay, qua 2 bản hiến pháp 2001 và 2013, tuy có những điểm thay đổi trong tổ chức và hoạt động của HĐND nhưng về vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ vẫn cơ bản giữ nguyên như Hiến pháp 1992.
Sự kế tục vẻ vang
Ngày 30.4.1975, Đại thắng Mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân ta. Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng mở ra một thời kỳ mới, chính quyền địa phương không còn các khu tự trị, với việc xác lập hai đơn vị mới là quận, phường trong bản Hiến pháp năm 1980. Từ đây, tổ chức và bộ máy của HĐND các cấp được tổ chức thống nhất trong cả nước với 3 cấp: tỉnh, huyện và xã.
Trong thời kỳ mới, các đại biểu, cơ quan dân cử địa phương đã nỗ lực thực hiện trọn vẹn lời hứa với cử tri và Nhân dân địa phương, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển. Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác HĐND năm 2023 cho thấy, các đại biểu, cơ quan dân cử đã có nhiều nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước…
Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Nhìn lại chặng đường ra đời, hoạt động và phát triển của HĐND hơn 75 năm qua, có thể khẳng định cơ quan dân cử địa phương xứng đáng là “viên gạch hồng” vững chắc đặt nền móng để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; các đại biểu dân cử ở địa phương đã, đang và sẽ thực hiện vẹn tròn, đủ đầy lời hứa với cử tri và Nhân dân, xứng đáng với kỳ vọng của của Nhân dân, xứng đáng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc.