Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10: Ngành thuế thay đổi trong môi trường số

Thời gian tới để có được sự thành công của chuyển đổi số, ngành thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Hỗ trợ trực tuyến là một trong số các hình thức hỗ trợ người nộp thuế được cơ quan thuế thực hiện hiệu quả thời gian qua. Ảnh: Phạm Hậu -TTXVN.

Hỗ trợ trực tuyến là một trong số các hình thức hỗ trợ người nộp thuế được cơ quan thuế thực hiện hiệu quả thời gian qua. Ảnh: Phạm Hậu -TTXVN.

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, ngành thuế đã thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan thuế

lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số như áp dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc triển khai các chương trình hỗ trợ người nộp; nghiên cứu, thực hiện cung cấp thông tin tự động (trí tuệ nhân tạo-AI, chatbot)...

Đến thời điểm hiện tại đã có 99,6% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; có 97,8% doanh nghiệp đang hoạt động hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng; có 99% doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế điện tử với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là 45.853 tỷ đồng.

Tính từ khi triển khai đến nay, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 10,04 tỷ hóa đơn, trong đó hóa đơn có mã: 2,5 tỷ; hóa đơn không mã 6,67 tỷ; đã có 82.988 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 45% số cơ sở kinh doanh (184.571) có ngành nghề kinh doanh chính thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn đã xuất là 893,8 triệu hóa đơn.

Về kết quả triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile), đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ khi triển khai đến nay 1,74 triệu lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng tăng gấp 2,7 lần so với cuối năm 2023, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 2,6 triệu giao dịch với số tiền đã nộp thành công 5.950 tỷ đồng.

Chị Thùy Linh (Hà Nội) cho biết, từ khi sử dụng ứng dụng eTax Mobile là có thể đăng ký thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, nộp thuế tránh bị nợ thuế mà không biết.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đăng Ngọc Minh, eTax Mobile là bước tiến quan trọng đối với Tổng cục Thuế trong việc cung cấp dịch vụ cá nhân. Qua ứng dụng eTax - Mobile, người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký về mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác giúp tạo thuận lợi trong quá trình tìm hiểu thông tin trong lĩnh vực thuế, tính thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, thời gian tới để có được sự thành công của chuyển đổi số, ngành thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Theo đó, xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; Chatbot hỗ trợ người nộp thuế; mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-10-10-nganh-thue-thay-doi-trong-moi-truong-so/349901.html