Ngày cuối Hội nghị COP26: Thỏa thuận lung lay, nhiều giải pháp tranh cãi

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa công bố bản dự thảo tuyên bố chung thứ hai với một số sửa đổi so với bản dự thảo đầu tiên công bố hôm qua (11/11).

Trong khi dự thảo mới tiếp tục vấp phải sự phản đổi của nhiều nước thì bên lề hội nghị các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp trái ngược nhau.

Quả địa cầu tại Trung tâm Hội nghị Scotland (SEC), nơi diễn ra COP26. (Ảnh: Karwai Tang/Chính phủ Anh)

Quả địa cầu tại Trung tâm Hội nghị Scotland (SEC), nơi diễn ra COP26. (Ảnh: Karwai Tang/Chính phủ Anh)

Dự thảo mới nhất được đưa ra vào ngày cuối của Hội nghị COP26 nhưng chưa phải là cuối cùng khi cần tất cả 197 bên tham dự nhất trí. Điểm khác biệt lớn nhất là ngôn ngữ trong bản dự thảo mới về nhiên liệu hóa thạch được giảm bớt trong khi đoạn nói về hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo được nhấn mạnh hơn.

Dự thảo mới kêu gọi tăng tốc “dần dần loại bỏ điện than và trợ cấp không hiệu quả cho nhiên liệu hóa thạch”, trong khi dự thảo trước đó không bao gồm từ “không hiệu quả”. Về hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, trong khi dự thảo cũ chỉ nhấn mạnh sự cần thiết thì dự thảo mới “ghi nhận sự tiếc nuối” rằng mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 vẫn chưa được đáp ứng.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng chỉ trích nhiều nước chỉ nói mà không làm: “Những lời hứa sẽ trở nên vô nghĩa khi theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch vẫn nhận được hàng nghìn tỷ USD, hoặc các quốc gia vẫn đang xây dựng các nhà máy than hoặc khi chưa có giá cho khí thải carbon làm méo mó thị trường và các quyết định của nhà đầu tư”.

Giới chuyên gia cho rằng, các sửa đổi trong dự thảo thứ hai nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước tiêu thụ hoặc xuất khẩu năng lượng hóa thạch hàng đầu thế giới cũng như các nước đang phát triển. Hãng tin CNN dẫn nguồn tin cho biết một số nước như Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Australia... đang nỗ lực tìm cách xóa bỏ phần liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, có tới 21 quốc gia đang phát triển khác cũng chính thức đưa ra ý kiến phản đối. Các nước này cho rằng, không công bằng khi các nước giàu xây dựng nền kinh tế bằng nhiên liệu hóa thạch lại yêu cầu các nước đang phát triển phải thực hiện mà không thừa nhận trách nhiệm lịch sử đó. Nếu được giữ lại, đây sẽ là hội nghị đầu tiên đề cập đến vai trò của nhiên liệu hóa thạch, yếu tố đóng góp nhiều nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Trong khi đó các tranh cãi về giải pháp chống biến đổi khí hậu vẫn chưa có hồi kết. Một số chuyên gia cho rằng, việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng hạt nhân là giải pháp tháo gỡ rất nhiều vấn đề biến đổi khí hậu. Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại không xếp năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh, ủng hộ việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khi lo ngại tai nạn và nguy cơ nhiễm xạ.

Bên cạnh hai mối quan tâm chính, vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến dự thảo như bất đồng xung quanh quy định về thị trường carbon, khung thời gian cho việc cập nhật các cam kết cắt giảm phát thải khí hay chi trả cho các quốc gia dễ bị tổn thương.

Không còn nhiều thời gian cho thảo luận, các bên tham gia cần nỗ lực hơn nữa, gạt bỏ các bất đồng tìm kiếm sự đồng thuận cho một tuyên bố chung nhằm cứu Trái Đất trước khi quá muộn, như lời của Thủ tướng nước nước chủ nhà Boris Johnson: “Và vì vậy câu hỏi của tôi đối với các nhà lãnh đạo thế giới khi chúng ta bước vào những giờ cuối cùng của Hội nghị COP26 là: Bạn sẽ giúp chúng tôi làm điều đó? Bạn sẽ giúp chúng tôi nắm bắt cơ hội đó? Hay bạn sẽ cản đường?”./.

PV/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ngay-cuoi-hoi-nghi-cop26-thoa-thuan-lung-lay-nhieu-giai-phap-tranh-cai-904645.vov