Ngày 'Đại đoàn kết toàn dân tộc' là ngày hội của toàn dân

Ngày 29-8-2023, UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm 'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' giai đoạn 2003-2023. Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã đến dự.

Ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng phát biểu, chỉ đạo hội nghị.

Ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng phát biểu, chỉ đạo hội nghị.

20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP Đà Nẵng đã được UBMTTQ Việt Nam các cấp tổ chức tại tất cả các khu dân cư (KDC), mang sắc thái riêng của mỗi địa phương, cộng đồng dân cư và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân...

TP Đà Nẵng là ngôi nhà chung của 29 dân tộc. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, 28 dân tộc thiểu số, như: dân tộc Hoa, Cơ Tu, Nùng, Tày, Thái, Mường, Ca Dong, HMông, Khơ Me, Xơ Đăng, Ê Đê, Chăm, HRê, Hre, Ba Na, Kor, Thổ, Giarai, Dao, Ve... chiếm tỷ lệ 0,44% dân số toàn thành phố. Do đó, thành phố luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có một vị trí chiến lược quan trọng, đồng thời dành một nguồn lực thỏa đáng để đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo nên diện mạo mới tại các xã miền núi,thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Các KDC đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa gắn kết cộng đồng, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trở thành diễn đàn để cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ngoài ra, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng với các hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Việt Nam, văn hóa bản địa. Cũng thông qua Ngày hội đã trao tặng nhiều phần quà thiết thực cho hộ nghèo, hộ khó khăn đột xuất, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên học giỏi trong khu dân cư, tài trợ các mặt hàng trong “Phiên chợ 0 đồng” nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”...

Trong 20 năm qua, Mặt trận các cấp thành phố đã thăm hỏi hơn 118 ngàn lượt gia đình chính sách, với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng. Thông qua ngày hội, Mặt trận các cấp đã vận động Nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng tổ dân phố, thôn văn hóa. Tính đến năm 2022, toàn thành phố có 230.250/252.677 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tỷ lệ 91,1%; 2.508/2.906 tổ dân phố, thôn đạt danh hiệu “Tổ dân phố, thôn văn hóa”, tỷ lệ 86,3%. Cũng trong 20 năm qua, Mặt trận các cấp đã biểu dương 47.397 lượt gương người tốt, việc tốt, với kinh phí thực hiện là 19,947 tỷ đồng; biểu dương, khen thưởng 14.087 tập thể, KDC, ban công tác Mặt trận và 18.798 cá nhân, hộ gia đình. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức khen thưởng gần 14 ngàn tập thể và hơn ngàn cá nhân, hộ gia đình. Mặt trận các cấp đã vận động, hỗ trợ xây mới 1.654 nhà với tổng số tiền 48,3 tỷ đồng; sửa chữa 4.044 nhà với tổng số tiền 53,9 tỷ đồng. Nhiều KDC tổ chức các hoạt động đối thoại với hộ nghèo nhằm hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững. Qua đó, đã hỗ trợ 203.590 gia đình gặp khó khăn với tổng số tiền là hơn 61,6 tỷ đồng. Các hoạt động trao học bổng cho học sinh, sinh viên (HS-SV) khó khăn; tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học... được tổ chức ở nhiều KDC trong dịp ngày hội. Cụ thể, đã trao quà tiếp sức đến trường cho 112.404 HS-SV với số tiền là hơn 39,9 tỷ đồng. Nhiều KDC đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, có 44.202 lượt người cao tuổi được chăm sóc với tổng số tiền là hơn 26 tỷ đồng…

Bà Dương Thị Lệ- Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Bắc, phấn khởi chia sẻ: “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để đồng bào Cơ Tu tại Hòa Bắc thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, đồng tâm thực hiện tốt các cuộc vận động, chung sức, chung lòng thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu...”.

Ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng trao Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng trao Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị: Mặt trận các cấp cần tiếp tục quán triệt, khẳng định vai trò của ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” để có những hành động cụ thể hướng đến người dân ở từng địa bàn KDC. Mỗi cấp, mỗi địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác tuyên truyền, xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Đồng thời, chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, huy động các tổ chức thành viên tích cực tham gia trong việc tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở KDC. Phát huy sự năng động, sáng tạo của các Ban Công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội phù hợp với điều kiện, thực tế của địa phương. Tổ chức ngày hội theo hình thức liên KDC để tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, gắn kết giữa các KDC với nhau. Khuyến khích các KDC tổ chức ngày hội tại các di tích lịch sử,... để kết hợp tuyên truyền, thắp lửa cho thế hệ trẻ, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các phong tục, tập quán tốt của đồng bào DTTS.

Dịp này, UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã trao Bằng khen cho 34 tập thể, 13 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện ngày hội “Đại đoàn kết”.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ngay-dai-doan-ket-toan-dan-toc-la-ngay-hoi-cua-toan-dan-post282663.html